Chiều 21/9, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo trực tuyến về Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) năm 2021. Hội thảo diễn ra một ngày sau khi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố Báo cáo xếp hạng, Việt Nam giữ thứ hạng 44/132 quốc gia, nền kinh tế.
Ông Marco M.Aleman, trợ lý, đặc phái viên của Tổng giám đốc WIPO ghi nhận: "Việt Nam nằm trong top 50 nền kinh tế của GII và có tiến bộ đáng kể trong bảng xếp hạng theo thời gian".
Theo ông, trong bối cảnh đại dịch khó khăn, Việt Nam giữ được vị trí này như một tấm gương cho các nước đang phát triển khác trong việc coi đổi mới sáng tạo là một ưu tiên quốc gia. Theo đó, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết từ năm 2017, sử dụng bộ chỉ số GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo của quốc gia là minh chứng rõ ràng về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển đất nước.
Phát biểu từ đầu cầu Hà Nội, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ, trong hai năm qua khi nền kinh tế các quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với những sự nỗ lực theo đuổi đổi mới sáng tạo, Việt Nam vẫn được xem như hình mẫu của các quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình thấp.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại sự kiện. Ảnh: TTTT
Thứ trưởng Duy dẫn minh chứng về quá trình đầu tư cho đổi mới sáng tạo trong nhiều năm qua của Việt Nam được thể hiện bằng kết quả ứng phó kịp thời với đại dịch Covid-19. Một trong số đó là bộ kit test do Việt Nam tự nghiên cứu, chế tạo, phát triển xuất hiện đúng lúc và được đưa vào sản xuất, sử dụng trong hai năm qua. Bên cạnh đó Việt Nam đã nghiên cứu và phát triển robot hỗ trợ chăm sóc y tế, máy tạo oxy dòng cao, nghiên cứu vaccine Nanocovax cũng như nhiều loại đang nghiên cứu sẽ được cấp phép giúp nhanh chóng kiểm soát đại dịch. "Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đang hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19, chống đứt gãy trong chuỗi sản xuất kinh doanh, khôi phục kinh tế trong thời gian tới... cũng phần nào thể hiện trong chỉ số sáng tạo", ông Duy nói
Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu. Trên Việt Nam chỉ có 5 quốc gia ở mức trung bình cao là Trung Quốc, Bungari, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, còn lại đều là các quốc gia có nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.
Ông Andrew Micheal Ong, đại diện VP khu vực châu Á Thái Bình Dương của WIPO cho rằng, Việt Nam cần có mục tiêu chiến lược trong việc thúc đẩy đa dạng các đổi mới sáng tạo.
Ông cũng nhắc tới sản phẩm mũ chống dịch Vihelm có hệ thống thông khí cho bác sĩ của nhóm học sinh Đỗ Trọng Minh Đức (18 tuổi), Trần Nguyễn Khánh An (16 tuổi) và Nguyễn Hoàng Phúc (15 tuổi) và cho rằng đây chính là sản phẩm giải pháp thể hiện sự đổi mới sáng tạo vượt qua những thách thức, giới hạn và nguồn lực.
Năm nay chỉ số GII của Việt Nam xếp hạng 44, giảm hai bậc so với năm trước, tuy nhiên ông Sacha Wunsch - Vincent, Chuyên gia cao cấp của WIPO đánh giá Việt Nam vẫn đứng trong nhóm 4 quốc gia xuất sắc bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc.
"Đây là nhóm xuất sắc, quốc gia góp phần thay đổi bối cảnh sáng tạo lâu bền", ông Sacha nói và nhận xét việc sụt giảm thứ hạng không có ý nghĩa nhiều về mặt thống kê bởi nó không phải sự tụt hạng mà là phản ánh sự cải thiện nhưng chưa đủ nhanh. Theo ông việc cải thiện thứ hạng đầu vào của đổi mới sáng tạo của Việt Nam là hiện tượng thú vị.
Hai tác giả trẻ (bìa trái) và thầy giáo kiểm tra mũ Vihelm. Ảnh: P. Nam
Ông Sacha cũng chỉ ra một số thách thức cho Việt Nam về đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Covid-19, trong đó có giảm chuỗi cung ứng toàn cầu, đầu tư nước ngoài trực tiếp sụt giảm và sản xuất trong nước bị ảnh hưởng.
Để cải thiện chỉ số, ông Sacha gợi ý các giải pháp chính sách hướng tới doanh nghiệp, trong đó có khởi nghiệp tại Việt Nam có thể tiếp cận tăng lượng vốn đầu tư. Ông đưa ra khuyến nghị về việc đẩy mạnh đầu ra, trong đó chủ yếu là xuất khẩu công nghệ cao.
Theo các chuyên gia, để có thể tiếp tục cải thiện nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần nhìn tổng thể của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào các trường đại học, viện nghiên cứu để tạo ra tri thức. Đồng thời tập trung vào doanh nghiệp để truyền tải tri thức vào phát triển kinh tế xã hội, qua đó có thể đổi mới đầu ra.
Do đó Việt Nam cần tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ để lan tỏa ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp, phổ biến công nghệ nhanh và hiệu quả hơn với các công nghệ có sẵn tiên tiến của thế giới để nâng cao năng suất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý, quản trị về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và đầu tư cho nghiên cứu phát triển theo kịp công nghệ mới và nâng cao nguồn lực cũng là yếu tố quan trọng được các chuyên gia mong muốn Việt Nam thúc đẩy.