VKIST tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng tài nguyên thực vật Việt Nam trong công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm”

Thứ hai, 24/07/2023 | 17:00

Ngày 24/07/2023 VKIST đã phối hợp cùng Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng tài nguyên thực vật Việt Nam trong công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm”. Hội thảo đã thu hút được hơn 100 người là các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý và các chuyên gia đến từ Hàn Quốc.

Hội thảo nhằm thực hiện nhiệm vụ là cầu nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng tài nguyên thực vật Việt Nam. Đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu chia sẻ, học tập, thảo luận về việc phát triển ứng dụng nguồn tài nguyên thực vật Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm.

Hội thảo được chia làm hai phiên song song, gồm: “Phát triển chất hấp thụ có nguồn gốc từ Lignin hoạt tính để xử lý nước, thu hồi kim loại từ phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam” và “Phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thảo dược Việt Nam”. Hiện tại, VKIST và KIST đang hợp tác nghiên cứu và có những dự án chung về hai chủ đề này đạt kết quả rất khả quan.

tc

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Đức Lợi - Phó Viện trưởng phụ trách VKIST cho biết: Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như quế, hồi, thảo quả, nghệ… Tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi không ngừng tăng, đạt 276 triệu USD vào năm 2022. Tuy nhiên, con số này vẫn còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Điều đó có nghĩa là Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển dược liệu thành một ngành kinh tế.

Ngoài ra, hằng năm Việt Nam còn xuất khẩu hàng trăm tỷ USD các loại lương thực, thực phẩm, gia vị như gạo, cà phê, chè, sầu riêng, tiêu, ớt, trái cây, cá, tôm… Tổng lượng phế, phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam ước tính gần 160 triệu tấn, trong đó có khoảng 90 triệu tấn sau thu hoạch từ trồng trọt, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (56,2%); 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (38,7%); 6 triệu tấn từ lâm nghiệp (3,7%); gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,6%). Những con số này cho thấy tiềm năng và giá trị của phế, phụ phẩm nông nghiệp.

"Thông qua nghiên cứu, VKIST nỗ lực tiếp cận thị trường tiềm năng về dược liệu và công nghệ môi trường, mong muốn kết nối các giải pháp công nghệ đưa ra thị trường. VKIST cũng đang tập trung cho hai lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến hệ thực vật Việt Nam, trong đó có công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm”, ông Vũ Đức Lợi - Phó Viện trưởng phụ trách chia sẻ.

pvt

Phó Viện trưởng Vũ Đức Lợi phát biểu tại Hội thảo

Một trong số đó là dự án “Nghiên cứu phát triển vật liệu hấp phụ có nguồn gốc lignin hoạt tính ứng dụng trong xử lý nước/thu hồi kim loại, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp Việt Nam” của phòng Công nghệ Năng lượng và Môi trường. TS. Hoàng Anh Việt, nghiên cứu viên phòng Công nghệ Năng lượng và Môi trường Viện VKIST, cho biết, với mục tiêu Giải quyết vấn đề phụ phẩm nông nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường; tạo ra sản phẩm có giả trị kinh tế và Sản phẩm có tiềm năng lớn trong việc giải quyết các vấn đề môi trường như: xử lý kim loại nặng trong nước ngầm/nước thải, xử lý màu trong nước thải dệt nhuộm, xử lý ô nhiễm kháng sinh trong nước thải ý tế…; Ứng trọng trong thu hồi một số kim loại quý như Coban, niken, liti.

Do đó, theo TS. Việt, cùng cộng sự đã đề xuất một quy trình mới, kết hợp công nghệ phân đoạn lignin trước khi carbon hóa, và carbon hóa bằng công nghệ hơi nước quá nhiệt và cuối cùng là gắn các nhóm chức lên bề mặt của than hoạt tính. Với phương pháp này, lượng carbon mất vào trong không khí chỉ khoảng 17 – 30% (nếu không carbon hóa) và 40 – 55%(nếu carbon hóa). Bên cạnh đó, công nghệ hơi nước quá nhiệt giúp tạo ra nhiệt lượng lớn để hoạt hóa than hoạt tính, nhiệt lượng tạo ra cao gấp 10 lần so với phương pháp nung thường trong không khí. “Sản phẩm là Than hoạt tính chất lượng cao và ứng dụng trong xử lý nước, thu hồi kim loại nặng”. TS. Hoàng Anh Việt, nghiên cứu viên Viện VKIST cho biết.

hav

TS. Hoàng Anh Việt chia sẻ tại hội thảo về "Nghiên cứu phát triển vật liệu hấp phụ có nguồn gốc lignin hoạt tính ứng dụng trong xử lý nước/thu hồi kim loại, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp Việt Nam"

Ngoài ra, phòng Công nghệ Sinh học cũng đang thực hiện dự án dự án chế tạo than hoạt tính từ nguồn thảo dược Việt Nam và ứng dụng trong sản xuất dược mỹ phẩm. TS Mai Thị Nga, nghiên cứu viên Viện VKIST, cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về than hoạt tính sử dụng nguồn nguyên liệu từ cây guột, một loài cây thuộc họ dương xỉ rất phổ biến ở khu vực đồi núi.

mtn

TS. Mai Thị Nga, nghiên cứu viên phòng Công nghệ Sinh học chia sẻ tại hội thảo "Than hoạt tính từ thảo dược Việt Nam và ứng dụng trong sản xuất mỹ phẩm"

Theo TS Nga, cây guột có hàm lượng carbon cao chủ yếu là carbon bền khó phân hủy và không chứa nhiều tạp chất, đặc biệt là các kim loại độc hại như thủy ngân, chì, crom. Cô cùng cộng sự đã sử dụng công nghệ hoạt hóa bằng hơi nước kết hợp dòng khí CO2 tạo ra vật liệu than hoạt tính có diện tích bề mặt cao. "Công nghệ này tạo than hoạt tính có giá thành rẻ, an toàn và thân thiện với môi trường". Dự án đang triển khai ứng dụng than hoạt tính kết hợp cùng các thảo dược thiên nhiên để bào chế một số sản phẩm như kem đánh răng, mặt nạ than hoạt tính... Một số kết quả bước đầu cho thấy kem đánh răng có khả năng diệt vi khuẩn Streptococcus mutans (93%) và vi khuẩn Porphyromonas gingivalis (99,8%).

Tại Hội thảo, các nhà khoa học của VKIST và KIST đã trình bày một số kết quả nghiên cứu ở 2 lĩnh vực này trong đó đáng chú ý như: “Phát triển các sản phẩm thiên nhiên và hoạt tính sinh học từ thảo dược Việt Nam”; “Chuyển đổi hiệu quả sinh khối lignocellulose thành nhiên liệu sinh hóa và hóa chất, sử dụng men biến đổi gen”; “Sử dụng vi sóng trong phenol hóa lignin Klason không tan trong axit và ứng dụng trong kết dính”….

Đến từ Hàn Quốc, TS. Lee Jae Wook, nhà khoa học tại KIST, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển các sản phẩm thiên nhiên và hoạt tính từ quả gấc, một loài dược liệu tại Việt Nam. Ông cho biết, gấc chứa nhiều thành phần hoạt tính, trong đó có sắc tố thực vật carotenoid và hợp chất có khả năng chống oxy hóa. Các nhà khoa học ở KIST đang nghiên cứu cơ chế chiết xuất gấc để phát triển sản phẩm ứng dụng tăng cường thị lực và dưỡng da.

hq

TS Lee Jae Wook chia sẻ kết quả nghiên cứu tại hội thảo.

Hy vọng thông qua Hội thảo này, các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ được cập nhật những thông tin mới nhất trong các lĩnh vực nghiên cứu, từ đó tìm được nhiều cơ hội trong việc hợp tác cũng như phát triển hệ thống thương mại hóa sản phẩm tại Việt Nam.

Bài liên quan