Giáo sư Jay T. Lennon tại Đại học Indiana cùng các cộng sự đã nghiên cứu khoảng 100 quần thể vi khuẩn khác nhau đặt trong các hệ thống khép kín, không có thức ăn trong 1000 ngày. Nhóm chuyên gia theo dõi xem chúng có thể tồn tại trong bao lâu và kết quả là hầu hết số vi khuẩn đều sống sót. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PNAS.
Ảnh: Jay T. Lennon
“Câu hỏi làm thế nào vi khuẩn có thể tồn tại trong thời gian dài khi bị hạn chế năng lượng giúp chúng ta tìm hiểu thêm về các bệnh nhiễm trùng mãn tính ở người và các loài vật khác, về cách một số mầm bệnh dung nạp các loại thuốc như kháng sinh", Giáo sư Lennon giải thích.
Nhiễm trùng do vi khuẩn rất khó điều trị, một phần là do vi khuẩn thường có thể đi vào trạng thái im lặng hoặc không hoạt động (trạng thái giới hạn năng lượng) khiến chúng ít nhạy hơn với các phương pháp điều trị bằng thuốc. Ở trạng thái này, các mầm bệnh có thể phát triển khả năng kháng thuốc kháng sinh và khiến tình hình tệ hơn.
Trong nghiên cứu, Lennon và nhóm của ông đã ước tính thời gian sống của vi khuẩn có thể kéo dài rất lâu. Họ cho rằng vi khuẩn bị hạn chế năng lượng có thể có tuổi thọ lên đến 100.000 năm. Giáo sư Lennon cũng cho biết thêm “Dự đoán trên vượt xa những gì có thể đo lường được, nhưng các con số này phù hợp với tuổi của vi khuẩn sống thu được từ những vật chất cổ xưa như hổ phách, tinh thể halit, băng vĩnh cửu và trầm tích dưới đáy đại dương sâu nhất”.
Việc vi khuẩn tồn tại trong những điều kiện như vậy có thể liên quan tới cơ chế bảo tồn năng lượng, một số vi khuẩn thậm chí có thể kiếm ăn trên xác đồng loại. Tất cả điều này ảnh hưởng thế nào đối với con người? Điều đó có nghĩa là nhiễm trùng do vi khuẩn thực sự nguy hiểm và với sự thay đổi khí hậu làm cho một số vi khuẩn cổ xưa sống lại, chúng ta nên cảnh giác hơn bao giờ hết.