Tại Diễn đàn Công nghiệp lần thứ IV về "Phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nguồn dược liệu Việt Nam: Từ nghiên cứu đến ứng dụng", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy dẫn ví dụ về việc doanh nghiệp sử dụng công nghệ để chiết xuất các phụ phẩm từ đầu, vỏ tôm thành tinh chất chitosan làm mỹ phẩm, minh họa cho việc ứng dụng công nghệ sẽ nâng giá trị gia tăng của nguyên liệu sẵn có trong nước.
Ông cho biết, khi Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) được thành lập dựa trên mô hình viện nghiên cứu, đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp và các ngành công nghiệp bằng cách đưa ra những công nghệ nguồn, công nghệ lõi. Cách này giúp doanh nghiệp trong nước nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.
Thông qua Diễn đàn, Thứ trưởng Duy hy vọng doanh nghiệp có thể kết nối, tiếp cận kết quả nghiên cứu mới, công nghệ mới để giải bài toán thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Diễn đàn.
Tại Diễn đàn lần này tập trung vào mảng trọng điểm trong chiến lược phát triển các sản phẩm thiên nhiên, gắn với đa dạng sinh học, cây dược liệu ở Việt Nam. Ông Duy cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong nước sản xuất dược liệu nhưng hàm lượng công nghệ "vừa phải", nên sản phẩm còn ở mức thô, chưa phát hiện và tận dụng hết những hợp chất quý trong dược liệu". Vì vậy, Diễn đàn là dịp kết nối nhà khoa học cùng tham gia giải những bài toán thực tiễn, khó khăn trong việc áp dụng công nghệ của doanh nghiệp", Thứ trưởng nói.
Thừa nhận nguồn dược liệu Việt Nam có giá trị y học rất phong phú, song TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho rằng, hiện nay chưa có công ty nào trong nước bào chế được dòng thuốc mới từ dược liệu, trong khi dòng thuốc này có những chế độ, chính sách ưu đãi riêng trong danh mục thanh toán của Nhà nước.
"Mặc dù có nhiều công trình nghiên cứu của nhà khoa học về phát hiện các hợp chất từ dược liệu nhưng do chưa tiếp cận được công nghệ chiết xuất hiệu quả, nên việc phát triển các loại thuốc phát minh còn hạn chế, thương mại hóa chưa cao", TS. Ngọc nói.
TS Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Y dược học cổ truyền (Bộ Y tế) nói về định hướng phát triển dược liệu Việt Nam
Là người có 10 năm kinh nghiệm trong phát triển dược phẩm thiên nhiên chủ lực ở Hàn Quốc, GS Jung Kiwon, Đại học CHA (Hàn Quốc) chia sẻ, có những loại thuốc dược liệu Hàn Quốc nghiên cứu từ 20 năm trước. Thay vì tập trung điều trị các bệnh mạn tính, Hàn Quốc phát triển các loại dược phẩm mà thuốc hiện đại chưa đáp ứng được, hoặc bệnh đa yếu tố, gây ra từ nhiều nguyên nhân như Alzheimer, bệnh tiểu đường, ung thư.
"Việc sản xuất dược liệu được Hàn Quốc tuân theo quy tắc "dược học ngược", nghĩa là phát triển trên cơ sở các bài thuốc bản địa, những dược liệu có giá trị sẵn, gắn với nhu cầu thực tiễn, từ đó sử dụng công nghệ để chiết xuất, xác định và phân tích hoạt tính các thành phần của dược liệu, chuẩn hóa các thành phần quý", ông Jung nói.
TS. Kum Dongwha, Viện trưởng Viện VKIST
Lắng nghe các ý kiến từ chuyên gia, doanh nghiệp, TS. Kum Dongwha, Viện trưởng VKIST cho biết, Viện đặt mục tiêu hợp tác với doanh nghiệp và nhà khoa học trong nước và quốc tế để ứng dụng, chuyển giao các công nghệ Hàn Quốc để phát triển các dược liệu quý của Việt Nam. "Viện sẽ là cầu nối giữa các ngành công nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu, mang lại cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp cận công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm chiếm lĩnh thị trường", ông nói.
Tại diễn đàn, một số chuyên gia cho rằng, ngoài sự kết nối giữa doanh nghiệp- nhà nước-viện nghiên cứu, cần hỗ trợ nông thôn miền núi, vùng có nhiều cây thuốc có giá trị. Cách này để tránh hiện tượng "chảy máu" tài nguyên dược liệu quý như lan gốm, lan kim tuyến, cây một lá, trà hoa vàng... để thương lái Trung Quốc mua với giá rẻ.