Chương trình được triển khai phi lợi nhuận bởi Tập đoàn Vingroup nhằm tạo đà cho những thay đổi tích cực và toàn diện trong văn hóa nghiên cứu, môi trường khoa học và đời sống cộng đồng. Quỹ VINIF công bố tài trợ gần 90 tỷ đồng cho 19 dự án Khoa học Công nghệ và 05 dự án Văn hóa – Lịch sử có giá trị thực tiễn, có tiềm năng đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước và các dự án được xét chọn cẩn trọng bởi Hội đồng chuyên gia Việt Nam và quốc tế.
PGS. TS Trương Thị Ngọc Liên, Trưởng phòng Công nghệ tích hợp của VKIST được Hội đồng xét chọn tài trợ với đề tài “Ứng dụng vật liệu cấu trúc nano thấp chiều phát triển cảm biến sinh học phát hiện vi khuẩn và vi rút trong không khí trên cơ sở công nghệ sắc ký miễn dịch dòng chảy bên (LFIA) và công nghệ khuếch đại gen phiên mã ngược (RT – PCR)”.
PGS. TS Trương Thị Ngọc Liên chia sẻ: “Trong đại dịch Covid-19, hàng triệu người phải xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm dựa trên phản ứng chuỗi polymerase real-time PCR và phương pháp test nhanh sử dụng que thử xác định kháng nguyên/kháng thể vi rút SARS-CoV-2. Theo danh sách cập nhật của Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế - Bộ Y tế, tính đến ngày 11/2/2022, cả nước có 30 loại test nhanh kháng thể và 83 loại test nhanh kháng nguyên đã được Bộ Y tế cấp phép. Đối với test nhanh kháng nguyên, trong nước có 3 sản phẩm hàng Việt Nam và 80 loại nhập khẩu từ nước ngoài (trong đó, có 69 test nhanh, 11 test chạy máy miễn dịch). Điều này cho thấy mức độ sẵn sàng ứng phó đại dịch do vi sinh vật gây ra về phương diện ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh thông qua xét nghiệm chẩn đoán nhanh còn yếu, chưa đáp ứng được nguồn cung ứng trong nước và còn phụ thuộc quá nhiều vào sản phẩm nhập khẩu, gây lãng phí kinh tế quốc gia. Do đó, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhóm nghiên cứu đã lên ý tưởng xây dựng dự án phát triển cảm biến sinh học tích hợp công nghệ nano cho phép phát hiện nhanh vi rút/vi khuẩn gây bệnh có mặt trong môi trường không khí với chi phí thấp, dễ sử dụng và có thể thực hiện được ở những vùng địa phương có điều kiện sống thấp như miền núi, vùng sâu, vùng xa”.
Nội dung nghiên cứu của dự án nhằm đạt được các mục tiêu: Tổng hợp được vật liệu vàng cấu trúc nano thấp chiều (cấu trúc lõi vỏ đặc/ rỗng, cấu trúc cluster); và ứng dụng được vật liệu này để phát triển nền tảng công nghệ LFIA cho phép thu thập và phát hiện tại chỗ vi rút/vi khuẩn có trong môi trường không khí và phát triển kỹ thuật nano-PCR định lượng bằng thiết bị đo cầm tay rẻ tiền. Sản phẩm đầu ra của dự án hoàn toàn có thể ứng dụng ở các cơ sở y tế trong các lĩnh vực phân tích và đánh giá kết quả xét nghiệm vi sinh vật và nguồn lây nhiễm nguy hiểm trong môi trường không khí.
Tạị Lễ Ký kết tài trợ, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương – Giám đốc Quỹ VinIF đã chúc mừng và tiến hành ký thỏa thuận tài trợ Dự án của VKIST do PGS.TS. Vũ Đức Lợi – Phó Viện trưởng VKIST, đại diện đơn vị chủ trì và PGS.TS Trương Thị Ngọc Liên – Chủ nhiệm đề tài.