VKIST tổ chức Hội thảo Khoa học về sâm 2024

Thứ năm, 27/06/2024 | 18:00

Nhằm góp phần nâng cao việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sâm Việt Nam và sản phẩm từ sâm Việt Nam, đáp ứng được với quy định và thông lệ quốc tế, Sáng ngày 27/6, Viện VKIST tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm”

Tham dự Hội thảo có sự tham dự của Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Viện VKIST; GS.TS.Nguyễn Thiện Nhân, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội khóa XV; TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; GS.TSKH. Đặng Vũ Minh, Nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Khoa học kĩ thuật Việt Nam; Ông Yang Ki Sung, tham tán KHCN thông tin và truyền thông, đại sứ quán Hàn Quốc tại VN; cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ các đơn vị thuộc Bộ KHCN, Bộ Y tế, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa lạc, đại diện Lãnh đạo và cán bộ sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Lai Châu, Quảng Nam, Kon Tum và Hiệp hội sâm Lai Châu.

Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho sâm Việt Nam để tăng giá trị

tt-bui-the-duy

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, thông qua VKIST cùng với sự giúp đỡ từ các chuyên gia Hàn Quốc những năm gần đây việc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt hướng công nghệ chiết xuất dược liệu với hàm lượng cao đã có kết quả bước đầu.

Với sản phẩm từ sâm của Hàn Quốc, ngoài kỹ thuật trồng trên diện rộng, công nghệ chiết xuất cũng là yếu tố tăng hiệu quả. Do đó, Thứ trưởng kỳ vọng hội thảo tạo cơ hội kết nối doanh nghiệp, nhà khoa học, Viện nghiên cứu giúp đưa sản phẩm, công nghệ tốt nhất vào Việt Nam. Ông mong muốn sẽ tạo dự án nghiên cứu chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất, đặc biệt kết nối để đưa công nghệ mới nhất từ Hàn Quốc vào nghiên cứu chế biến cho sâm Việt Nam.

Thời gian qua, Bộ KH&CN đã có sự đầu tư, quan tâm nhất định cho sâm Việt Nam, thể hiện qua việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh, triển khai các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu về sâm Ngọc Linh tại Kon Tum, hỗ trợ kiểm chứng chất lượng sâm, cũng như hoạt động quản lý nhà nước để bảo đảm chất lượng sâm, chống hàng giả, hàng nhái, đưa sâm Việt Nam vào danh mục sảm phẩm quốc gia để ưu tiên nghiên cứu phát triển…

Thứ trưởng Bùi Thế Duy hy vọng thông qua hội thảo, VKIST sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam, các địa phương với các nhà khoa học, viện nghiên cứu để đưa những công nghệ tốt nhất, bài học hữu ích nhất của sâm Hàn Quốc đến với Sâm Việt Nam. Thông qua đó, tạo ra các dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, các dự án hợp tác sản xuất giữa Hàn Quốc và Việt Nam về sâm.

vt-vkist

PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST phát biểu tại hội thảo

PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST, cho biết đã có nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh sâm Việt Nam có thành phần hóa học và tác dụng sinh học quý và không thua kém gì so với các loài sâm quý khác trên thế giới. Là loài đặc hữu, một dược liệu rất quý hiếm của đất nước nên sâm Việt Nam đã được Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia từ năm 2017. Đây là một thuận lợi lớn cho việc phát triển những sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho con người và những sản phẩm từ sâm Việt Nam có khả năng cạnh tranh tại trị trường trong nước và quốc tế.

Việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sâm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm đã được thực hiện và đã đưa vào Dược điển các nước, trong đó có Dược điển Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng và sự phát triển khoa học và kỹ thuật đòi hỏi việc xây dựng chất lượng sâm và sản phẩm từ sâm phải thay đổi để kiểm soát hàm lượng hoạt chất và ngày càng tăng độ chính xác.

“Muốn sâm Việt Nam có thể cạnh tranh được với các loài sâm khác trên thị trường thì cần phải có những tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, hiện đại và tin cậy”, Viện trưởng Viện VKIST nhấn mạnh.

ts-hill

Park Jeong Hill, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc với bài chia sẻ về chiến lược phát triển nhân sâm Việt Nam: Bài học từ nhân sâm Hàn Quốc

Theo GS Jeong Hill Park, Đại học quốc gia Seoul, kỹ thuật trồng sâm và doanh thu của Việt Nam còn rất hạn chế, đặc biệt nghiên cứu khoa học về sâm chưa nhiều. "Hàn Quốc có hơn 600 công bố về sâm được xuất bản hàng năm, trong khi đó Việt Nam chỉ có khoảng 13 công bố, chiếm khoảng 2% so với Hàn Quốc", ông nói. Việt Nam cần phát triển phương pháp canh tác, đẩy mạnh năng suất trên một đơn vị diện tích nhỏ, tăng quy mô số lượng trang trại và diện tích trồng sâm.

Cũng theo chuyên gia cần có các nghiên cứu về thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và kiểm soát chất lượng, từ đó cung cấp bằng chứng khoa học về chất lượng và lợi ích của sâm. Ông nhấn mạnh cần chú trọng việc bảo vệ nguồn gene quý của sâm Việt, do chúng thường chỉ sống ở vùng núi cao và rất đa dạng về mặt di truyền, do đó nhiều nguồn gene khác nhau cần được bảo tồn.

ba-mi

Bà Pyo Mi Kyung, Viện Nghiên cứu nhân sâm và dược liệu Geumsan chia sẻ về “Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng nhân sâm (Panax ginseng) và tiêu chuẩn chất lượng nhân sâm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nhân sâm tại Hàn Quốc”

Bà Pyo Mi Kyung, Viện Nghiên cứu nhân sâm và dược liệu Geumsan, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng tiêu chuẩn kiểm tra và kiểm định chất lượng sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm. Ở Hàn Quốc các tiêu chuẩn được thông qua từ Luật Công nghiệp nhân sâm. Luật quy định cụ thể tiêu chuẩn đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nguyên liệu nhân sâm, hồng sâm hay hắc sâm, ban hành rõ ràng những gì được sử dụng và không sử dụng, đồng thời có tiêu chuẩn sản xuất nhân sâm căn cứ trên hàm lượng saponin.

Tại hội thảo, các nhà khoa học trong nước cũng trao đổi nghiên cứu phát triển chất lượng sâm và sản phẩm từ sâm tại Việt Nam. Hiện sâm Việt Nam đã được nhân giống, trồng và phát triển thành công phục vụ phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, góp phần phát triển kinh tế một số địa phương như Quảng Nam, Kon Tum, Lâm Đồng, Lai Châu.

tung

TS. Phạm Hà Thanh Tùng, Viện nghiên cứu Sâm và Dược liệu Việt Nam chia sẻ về Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho sâm Lai Châu và sản phẩm từ sâm Lai Châu

Nhấn mạnh triển vọng của sâm Lai Châu, TS. Phạm Hà Thanh Tùng, Viện Nghiên cứu sâm và dược liệu Việt Nam cho biết, Bộ NN&PTNT đã cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng sâm Lai Châu và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Lai Châu".

Hiện nay, 19 tổ chức, 217 hộ gia đình, cá nhân gây trồng khoảng 60 ha sâm Lai Châu tập trung và nhiều diện tích nhỏ lẻ, phân tán dưới tán rừng. Diện tích ứng dụng công nghệ cao khoảng trên 19 ha (trồng trong nhà màng, nhà lưới). Năm 2030, diện tích trồng sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh khoảng 3.000 ha, đạt tiêu chuẩn GACP.

Theo TS. Phạm Hà Thanh Tùng, cần đẩy mạnh quảng bá, phát triển hơn nữa sâm Lai Châu, hoàn thiện cơ sở dữ liệu khoa học về sâm, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng và sản phẩm từ sâm Lai Châu…

thao

TS. Lê Quang Thảo, Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương chia sẻ về Chất lượng Sâm (Panax spp): quy định trong Dược điển của một số nước.

Đồng quan điểm, TS. Lê Quang Thảo, Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương (Bộ Y tế) cho rằng hiện nay vấn đề chất lượng sâm của Việt Nam rất đáng quan tâm.

Giá sâm Ngọc Linh hiện nay khoảng 200-300 triệu/kg, trong khi đó giá sâm Lai Châu khoảng 80-100 triệu/kg. Tam thất hoang (sâm vũ điệp) giống sâm Ngọc Linh về hình thái, còn sâm Lai Châu lại rất giống sâm Ngọc Linh về hình thái và thành phần hóa học. Vì vậy, nguy cơ làm giả rất cao trên thị trường trôi nổi và cần có phương pháp để phân biệt các loại sâm này.

pvt-ptt

PGS.TS. Phương Thiện Thương, Phó Viện trưởng VKIST đặt vấn đề tại hội thảo

Trong khi đó, PGS.TS. Phương Thiện Thương, Phó Viện trưởng VKIST đặt vấn đề: Hàn Quốc có nền công nghiệp sâm đạt 2,7 tỷ USD vào năm 2023. Còn theo thống kê của Bộ Y tế, giá trị kinh tế về dược liệu của Việt Nam đạt khoảng 500 triệu USD, tức chỉ bằng khoảng 1/5 giá trị của riêng cây sâm Hàn Quốc. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm.

Bà Pyo Mi Kyung, Viện nghiên cứu Nhân sâm Geumsan, Hàn Quốc cho hay, Hàn Quốc có riêng Luật Công nghiệp nhân sâm, trong quy định tiêu chuẩn sản xuất nhân sâm, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn và quy cách sản phẩm, thực phẩm chức năng từ sâm…

Ngoài những quy định trong luật, cấp độ tiêu chuẩn cũng được đưa ra theo Cơ quan nông sản quốc gia và tiêu chuẩn địa phương (Geumsan) được đặt ra với từng vùng và thậm chí còn cụ thể hơn, cao hơn, đạt được khó hơn so với tiêu chuẩn quốc gia.

Tăng cường nghiên cứu khoa học về sâm Việt Nam

Chia sẻ thêm kinh nghiệm phát triển công nghiệp sâm của Hàn Quốc, GS. Park Jeong Hill, Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc cho biết, tại Hàn Quốc có một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về nhân sâm (Korean Society of Ginseng - KSG), với khoảng 1.200 thành viên. KSG hỗ trợ 20-30 dự án nghiên cứu mỗi năm, tổng cộng 1-1,5 triệu USD/năm.

Hàng năm hơn 600 công bố về nhân sâm Hàn Quốc được xuất bản. Trong đó, mỗi năm, có khoảng 10 công bố về Sâm Việt Nam, chỉ chiếm 2% so với Sâm Hàn Quốc.

Qua tìm hiểu về sâm Việt Nam, GS. Park Jeong Hill khuyến nghị Việt Nam cần phát triển phương pháp trồng trọt chuẩn, bởi hiện nay phương pháp canh tác sâm Việt Nam chưa phát triển tốt, năng suất trên một đơn vị diện tích, số lượng trang trại và diện tích canh tác nhỏ.

Theo ông Park Jeong Hill, nghiên cứu khoa học về sâm Việt Nam hiện nay còn hạn chế, do đó cần tăng cường nghiên cứu hơn nữa bởi bằng chứng khoa học của chất lượng và lợi ích của sâm Việt Nam là rất cần thiết cho việc tạo ra nhu cầu sử dụng; cũng như cần nghiên cứu thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và kiểm soát chất lượng sâm.

Việt Nam cũng cần chú trọng bảo vệ nguồn gene, vì sâm Việt Nam chỉ sống ở các vùng núi cao, hơn nữa lại rất đa dạng về mặt di truyền…

Park Jeong Hill cũng cho rằng, sự hợp tác giữa nhà khoa học và nông dân dưới sự hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết cho sự phát triển của sâm Việt Nam.

tham-gian-hang

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy (bìa phải) cùng các đại biểu tìm hiểu sản phẩm tại gian hàng Viện VKIST

GS.TS.Nguyễn Thiện Nhân, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành uỷ TP HCM nhận định VKIST cần phối hợp với các bộ ngành liên quan xúc tiến triển khai sớm nhất việc đưa ra tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm, có thể thành lập Hiệp hội Sâm Việt Nam để thực hiện và triển khai các hoạt động.

Sự thành công của Hội thảo lần này đã mở ra những cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý và các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật đã thành công của Hàn Quốc - một trong số những quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ nhân sâm, từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất sâm tại Việt Nam và xa hơn nữa là hướng đến mục tiêu phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến sâm Việt Nam nhằm phục vụ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

VKIST cũng hy vọng các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tìm được nhiều sự hợp tác trong nghiên cứu phát triển sản phẩm trong tương lai.

z5581284240462_1d49074b51c36e69276280513ffa0dba

Các gian hàng về sâm được trưng bày tại Hội thảo

gian-hangsam-lc

Gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX bảo tồn và phát triển giống sâm núi Lai Châu

Sâm Việt Nam (SVN) có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha & Grushv. là một trong 12 loài thuộc chi nhân sâm (Panax), họ ngũ gia bì (Araliaceae) được phát hiện lần đầu trong tự nhiên ở vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam vào năm 1973 và được chính thức ghi nhận đầy đủ về mặt định danh thực vật học năm 1985.

Cho đến nay, sâm Việt Nam đã được phát hiện ở rất nhiều địa phương khác nhau, ngoài Quảng Nam và Kon Tum còn có Lâm Đồng, Lai Châu...

Đến nay, ở Việt Nam đã thu thập và xác định được có 3 thứ Panax vietnamensis, gồm: Sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, sâm Langbiang.

Từ khóa: Tin hoạt động VKIST

Bài liên quan