Phát biểu tại buổi lễ, Viện trưởng Vũ Đức Lợi chia sẻ “KIST không chỉ là hình mẫu mà còn là đối tác chiến lược quan trọng đối với VKIST. Những thành tựu mà KIST đạt được trong hơn 50 năm qua là nguồn động lực cho chúng tôi trong hành trình phát triển Viện. Chúng tôi hy vọng chuyến thăm lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ giữa hai quốc gia.”
Chủ tịch Viện KIST, Oh Sang Rok cảm ơn Lãnh đạo Viện đã dành thời gian đón tiếp đoàn. Trên cương vị mới với vai trò mới là Chủ tịch KIST, ông mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm của ông đến VKIST để làm sao trong tương lai tới VKIST phát triển vững mạnh.
"VKIST và KIST có lợi thế đó là, Viện KIST đứng trong lịch sử phát triển KHCN của Hàn Quốc, tự hào có lợi thế về chuyên môn, kinh nghiệm và nguồn lực. VKIST – viện công lập mới thành lập, mang trong mình sức trẻ, lòng nhiệt huyết và sự sáng tạo. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm của KIST và tiềm năng của VKIST chính là nền tảng vững chắc để chúng ta cùng nhau đạt được những bước tiến lớn trong tương lai.
Để thực hiện mục tiêu này, cần xây dựng định hướng phát triển cụ thể cùng với việc kết hợp doanh nghiệp phía Việt Nam và Hàn Quốc. Việc liên kết nghiên cứu với doanh nghiệp sẽ giúp các sản phẩm công nghệ từ VKIST nhanh chóng chuyển đổi thành giá trị kinh tế thực tế, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam", Chủ tịch Viện KIST, Oh Sang Rok nói.
Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam
Từ kết quả chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào đầu tháng 7/2024, hiện Bộ KH&CN đang phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) triển khai kế hoạch phát triển phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang có nhu cầu phát triển ngành vi mạch bán dẫn, tuy nhiên còn thiếu nguồn lực về cơ sở vật chất, nhân lực và trình độ để phát triển theo kịp các quốc gia trên thế giới.
Trong chuyến thăm Hàn Quốc vào đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trong đó tập trung vào phát triển đội ngũ nhân lực kỹ sư thiết kế phần mềm, khâu đóng gói, kiểm nghiệm phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế.
Viện KIST có nhiều kinh nghiệm trong phát triển các công nghệ AI và một số công nghệ đã được Chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng, như Viện nghiên cứu về AI và Robot. Những lĩnh vực hai bên có tiềm năng hợp tác bao gồm các công nghệ AI trong thị giác máy tính và đồ họa máy tính; Các công nghệ AI trong y tế và công nghệ y sinh học; AI cho nhà máy thông minh; AI cho chính phủ điện tử, đô thị thông minh; AI trong lĩnh vực chip bán dẫn...VKIST sẽ đóng vai cầu nối trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn giữa Việt Nam với các đối tác Hàn Quốc nói chung và với Viện KIST nói riêng.
Viện trưởng Viện VKIST, Vũ Đức Lợi chia sẻ tại buổi làm việc
Viện trưởng Viện VKIST, Vũ Đức Lợi cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ, từ Nhà nước đến nhà đầu tư, nhà trường, nhà sản xuất, với các gói cơ chế, chính sách về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu tư công, nghiên cứu và phát triển. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan và là xu thế chung của thế giới. Do đó, ông mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình để ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Ông chia sẻ, VKIST tập trung vào 8 lĩnh vực nghiên cứu chính. Đến nay, VKIST đã thành lập được 5 phòng nghiên cứu tương ứng với 5 lĩnh vực gồm: Công nghệ sinh học; công nghệ thông tin; công nghệ cơ điện tử; công nghệ năng lượng môi trường; công nghệ tích hợp giữa công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Trong giai đoạn 2, tôi mong muốn chúng ta hoàn thiện 03 lĩnh vực đã xây dựng trong nền tảng giai đoạn 1 và phát triển thêm trung tâm vi mạch bán dẫn.
"Hướng của chúng tôi có thể cử cán bộ đi học hoặc tuyển dụng những nghiên cứu sinh người Việt Nam đang nghiên cứu ở KIST Hàn Quốc. Các nhà khoa học được tuyển dụng sẽ vừa học, vừa làm, nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về vật liệu và quy trình công nghệ bán dẫn. Họ là những nhân tố sau này về Việt Nam gây dựng phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn", Viện trưởng Viện VKIST, Vũ Đức Lợi chia sẻ.
Chủ tịch Viện KIST, Oh Sang Rok, chia sẻ tại buổi làm việc
Chia sẻ với Viện trưởng Viện VKIST, Chủ tịch Viện KIST, Oh Sang Rok, cho biết: cách đây hơn 50 năm, năm 1973, KIST Hàn Quốc đã thành lập Viện nghiên cứu về công nghệ bán dẫn (Post Silicon Semiconductor Institue). Năm 1978, Samsung và Viện này đã bắt tay hợp tác phát triển vật liệu bán dẫn; sau này Samsung trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới về sản xuất vật liệu bán dẫn và sản phẩm, thiết bị điện tử. Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm đến lĩnh vực này và đã đầu tư vào Trung tâm nghiên cứu về bán dẫn.
Hiện nay, Viện Vi mạch bán dẫn Post Silicon của Hàn Quốc có 4 trung tâm: Trung tâm điện tử Spin; Trung tâm thông tin lượng tử; Trung tâm thiết bị và vật liệu quang tử; Trung tâm kỹ thuật Neuromorphic (kỹ thuật mô phỏng não người).
Trong các giai đoạn phát triển, Viện này tập trung nghiên cứu cơ bản về vật liệu và công nghệ quy trình bán dẫn; phát triển công nghệ quy trình bán dẫn (bộ nhớ bán dẫn), cung cấp nền tảng cho các công ty tư nhân như: Samsung Electronics, LG…
Đồng thời thương mại hóa các thiết bị bán dẫn và công nghệ quy trình bán dẫn; nghiên cứu công nghệ nano (thiết bị bán dẫn cấp nanomet) và spintronics. Nâng cao hiệu suất và độ tin cậy của các thiết bị bán dẫn, tập trung vào công nghệ tích hợp 3D và thiết bị tiêu thụ điện năng thấp. Năm 2015, KIST thành lập Viện Nghiên cứu bán dẫn thế hệ mới.
Theo ông Oh Sang Rok, việc đào tạo các chuyên gia, nhà khoa học rất quan trọng. Nếu không có ý chí của Chính phủ và các nhà đầu tư đặt quyết tâm đầu tư thì không thể thành công về bán dẫn.
Để thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, cần rất nhiều thời gian đầu tư, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực ưu tú. Việt Nam phải có đầu tư lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao và phải tập trung tiến hành ngay, với các dự án cụ thể có tính chất đi tắt, đón đầu...
Xây dựng định hướng chiến lược và hệ sinh thái ngành bán dẫn
Cùng với tìm hiểu về chiến lược, chính sách phát triển ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo của Việt Nam. Đây là cơ hội quan trọng để chúng ta cùng trao đổi và xây dựng định hướng hợp tác chiến lược, đóng góp vào sự phát triển của cả hai quốc gia. Chủ tịch KIST đề xuất, Việt Nam cần có cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực bài bản, cụ thể cho các ngành này:
- Xây dựng chuỗi giá trị và hệ sinh thái ngành bán dẫn: Hợp tác giữa KIST và VKIST cần được định hướng theo cách tiếp cận chuỗi giá trị. Chúng ta cần xác định vai trò của mỗi bên trong hệ sinh thái bao gồm nghiên cứu, doanh nghiệp, và các hoạt động kinh doanh. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự gắn kết giữa nghiên cứu và thị trường mà còn đảm bảo các sản phẩm khoa học của chúng ta có giá trị ứng dụng thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển bền vững.
- Ưu tiên hợp tác nghiên cứu ứng dụng: Để thúc đẩy hợp tác hiệu quả, tôi đề xuất hai viện triển khai khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đưa ra các đề tài nghiên cứu chung. Việc này sẽ giúp định hình các lĩnh vực nghiên cứu chủ đạo, tập trung vào những nhu cầu cấp thiết nhất của thị trường.
Trong lĩnh vực AI, y tế là một trong những ứng dụng tiềm năng. Việc phát triển các giải pháp AI y tế không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn là cơ hội hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra rõ ràng và giá trị kinh tế cao.
- Đào tạo nhân lực: KIST sẽ hỗ trợ VKIST trong việc đào tạo nhân lực nghiên cứu vi mạch bán dẫn. Các chương trình đào tạo sẽ bao gồm các khóa học ngắn hạn và dài hạn, cũng như các chương trình thực tập và trao đổi nghiên cứu sinh giữa hai viện tại Viện Nghiên cứu bán dẫn thế hệ mới. Điều này sẽ giúp VKIST xây dựng được đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành.
Chúng tôi khuyến khích VKIST xây dựng các phòng nghiên cứu không chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu mà còn đóng vai trò đào tạo nhân lực. KIST sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng các phòng nghiên cứu quy mô nhỏ nhưng hiệu quả.
Đặc biệt, trong lĩnh vực bán dẫn, việc cung cấp trải nghiệm thực tế cho các nhà nghiên cứu và sinh viên là điều quan trọng. Đây là cách chúng ta tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái công nghệ.
Chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tôi tin tưởng rằng, với sự phối hợp chặt chẽ, chúng ta sẽ không chỉ tạo ra những sản phẩm nghiên cứu đột phá mà còn đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế và xã hội của hai quốc gia.
Lãnh đạo Viện chụp ảnh kỉ niệm cùng đoàn Chủ tịch KIST
Nghiên cứu khoa học dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp
* Trưa 2/12, Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch KIST, Viện VKIST đã tổ chức buổi làm việc với các chuyên gia, doanh nghiệp nhằm thảo luận, hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam và đặt ra các bài toán nghiên cứu thực tiễn.
Tại buổi làm việc, đại diện cho các doanh nghiệp công nghệ lớn như: Tập đoàn Xuân Cầu, Simexco, Công ty dược TW 28, Traphaco đã tham dự và thảo luận cùng đoàn KIST nhằm tìm kiếm cơ hội để hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Hàn Quốc.
Toàn cảnh buổi làm việc
PGS.TS Phương Thiện Thương, Phó Viện trưởng Viện VKIST cho biết: "Cây chè Việt Nam từ lâu đã là một sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhưng giá trị hiện tại vẫn còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào chè búp. Mỗi năm, ngành chè Việt Nam thải bỏ hàng triệu tấn lá chè già và chè vụn, một nguồn tài nguyên dồi dào nhưng chưa được khai thác triệt để. Đặc biệt, trong lá chè có chứa chất EGCG, một hợp chất quý giá có tiềm năng ứng dụng cao.
Nếu Việt Nam có thể tận dụng và phát triển nguồn nguyên liệu này, giá trị kinh tế mang lại sẽ không thua kém, thậm chí có thể vượt qua việc xuất khẩu chè búp. Để làm được điều đó, ngành chè cần một chiến lược phát triển toàn diện, tập trung vào chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm đa dạng từ cây chè, mang giá trị gia tăng cao hơn.
PGS.TS Phương Thiện Thương mong muốn Viện VKIST sẽ tập trung mạnh vào lĩnh vực này. Đồng thời, chúng tôi rất kỳ vọng KIST sẽ đồng hành, hỗ trợ và cùng hợp tác trong các dự án nghiên cứu, phát triển. Sự tham gia của KIST không chỉ giúp mở ra những hướng đi mới mà còn là chìa khóa để VKIST gặt hái thành công, đưa ngành công nghiệp chè Việt Nam lên một tầm cao mới.
"Buôn Ma Thuột đã và đang là thành phố cà phê của Việt Nam, điểm đến của cà phê thế giới. Tiềm năng về cà phê Tây Nguyên còn rất lớn. Hiện nay, cafe vẫn chỉ mới được khai thác ở mức độ cơ bản, chủ yếu là xuất khẩu hạt. Trong khi đó, giá trị tiềm năng từ cây cà phê là vô cùng lớn, chúng ta có thể tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú từ cây cà phê để phát triển nhiều sản phẩm có giá trị không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn vươn xa ra thế giới. Điển hình như sản phẩm chè hoa cà phê, một sản phẩm đầy triển vọng. Tôi rất kỳ vọng, với sự phối hợp và hỗ trợ từ KIST, các tổ chức nghiên cứu sẽ được tiếp thêm nguồn lực và cảm hứng để phát triển những sản phẩm chất lượng cao, góp phần nâng tầm thương hiệu cà phê Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nước nhà.", chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN.
Viện trưởng Vũ Đức Lợi cũng giới thiệu về một dự án nghiên cứu đầy triển vọng của VKIST về cafe, đó là ứng dụng công nghệ lên men để tạo ra các hương vị cà phê đa dạng. Ông cho biết, dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển, tập trung vào việc kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lên men như nhiệt độ, độ ẩm, thời gian và chủng loại vi sinh vật. Mục tiêu của dự án là tạo ra một loạt các hương vị cà phê mới, từ hương trái cây, hoa quả, chocolate, cho đến các hương vị đặc trưng của địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.
Việc ứng dụng công nghệ lên men trong sản xuất cà phê không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu lượng chất thải phát sinh. Dự án này được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá trong ngành công nghiệp cà phê, tạo ra những sản phẩm mới lạ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.
“Hy vọng đề tài khoa học và dự án tài trợ của Viện Khoa học công nghệ Hàn Quốc (KIST) và Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) tại SIMEXCO Đắk Lắk sẽ thành công tạo thêm sản phẩm mới trong chuỗi giá trị cà phê Đắk Lắk”, anh Lê Đức Huy - Tổng giám đốc SIMEXCO Đắk Lắk nói.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư SISC cho biết, công ty đang đầu tư về chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, chuyển dổi xanh và phát triển năng lượng mới. Chúng tôi phát triển vật liệu từ (nam châm vĩnh cửu) từ các nguyên tố đất hiếm. Trong nghiên cứu chuyển đổi xanh, chúng tôi tận dụng nguồn phụ phẩm từ cây cao lương nhằm lên men, chuyển hoá thành ethanol. Bên cạnh đó, trong mảng năng lượng mới, chúng tôi phát triển xúc tác nhằm chuyển hoá ethanol 75% thành Hydro để phục vụ cho động cơ KIST cũng có nhưng nghiên cứu chuyển hóa từ ethanol sang đây là một trong những tiềm năng lớn, tôi đề xuất KIST cùng VKIST hỗ trợ làm nhiệm vụ chung tạo ra sản phẩm có giá trị cho xã hội
Tại buổi thảo luận, công ty Dr. Ruột cũng đưa ra những đề xuất "Cây dong riềng, một loại cây trồng quen thuộc tại Việt Nam, đang được nghiên cứu để chiết xuất tinh bột kháng, loại tinh bột có lợi cho sức khỏe, đặc biệt trong công việc điều trị tiểu đường và cải thiện chức năng đường ruột gây ra do mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, nâng cao sức khỏe và tuổi thọ cho người dân Việt Nam. Mong muốn nhận được sự hỗ từ VKIST và KIST để phát triển khai thác các nghiên cứu sâu hơn nhắm mục tiêu tạo ra các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao, đồng thời mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại Việt Nam và Hàn Quốc"
Phản hồi ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch Viện KIST, Oh Sang Rok cho biết, VKIST và KIST sẽ nghiên cứu dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp. Để các sản phẩm khi nghiên cứu ra không để ngăn kéo và không dừng lại ở góc độ nghiên cứu thì vai trò tiếp theo kế thừa phát triển thêm thì sẽ thuộc về các doanh nghiệp.
Chúng tôi cam kết hợp tác cùng VKIST để xây dựng các phương án nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề, các bài toán doanh nghiệp đã nêu, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ lên kế hoạch đưa doanh nghiệp Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam, trở thành chiến lược chiến lược của doanh nghiệp
Khi các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam bắt tay hợp tác, VKIST và KIST sẽ cùng nhau hỗ trợ giải quyết các bài toán thực tiễn, hình thành một vòng tuần hoàn giá trị, nơi nghiên cứu khoa học và hoạt động doanh nghiệp bổ sung hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi hy vọng, với nỗ lực chung của hai viện và sự hỗ trợ từ các đối tác, VKIST sẽ không ngừng tiến lên, trở thành biểu tượng cho sự hợp tác thành công giữa hai quốc gia.
Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các doanh nghiệp và viện nghiên cứu, nhằm phát triển các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến, phục vụ nhu cầu trong nước và mở rộng ra thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp chụp ảnh kỉ niệm cùng đoàn Chủ tịch KIST
Chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch KIST tại VKIST là một bước ngoặt quan trọng, không chỉ thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa hai viện nghiên cứu mà còn tạo động lực mới cho các dự án khoa học công nghệ ứng dụng tại Việt Nam. Việc kết nối viện nghiên cứu với các doanh nghiệp sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị cho sản phẩm và khẳng định vị thế của khoa học công nghệ Việt Nam trên bản đồ quốc tế.