Viện VKIST đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thí điểm thực hiện mô hình "mỗi doanh nghiệp, một nhà nghiên cứu"

Thứ năm, 16/01/2025 | 18:00

Viện Khoa học Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thí điểm thực hiện mô hình "mỗi doanh nghiệp, một nhà nghiên cứu" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết bài toán công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.

Thí điểm thực hiện mô hình "mỗi doanh nghiệp, một nhà nghiên cứu"

Đề xuất được đưa ra tại kỳ họp Hội đồng VKIST lần thứ nhất năm 2025, tổ chức ngày 16/01/2025 tại trụ sở Bộ KH&CN.

Kỳ họp Hội đồng Viện VKIST lần thứ nhất – năm 2025 là sự kiện quan trọng thuộc kế hoạch thường niên của Viện với mục tiêu đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2024, đề xuất kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2025.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Chủ tịch Hội đồng VKIST nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược. Theo đó, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để cùng xây dựng và đầu tư cho ngành công nghiệp, đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững.

Thứ trưởng khẳng định vai trò của VKIST như một hình mẫu tiêu biểu trong hệ thống tổ chức KH&CN và cho rằng, các mô hình hoạt động thành công từ VKIST sẽ được chọn và áp dụng nhằm cải thiện mô hình tổ chức KH&CN công lập, hướng tới việc chuyển đổi và vận hành theo các thông lệ quốc tế.

Thứ trưởng đề nghị mở rộng và triển khai mô hình "mỗi công ty - một nhà nghiên cứu," trong đó các chuyên gia hàng đầu từ VKIST sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để phân tích quy trình sản xuất, nhận diện các điểm hạn chế và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ. Chương trình này sẽ được thí điểm, đánh giá và đưa vào Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) như một cơ chế hợp tác hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp.

tt-bui-the-duy

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại kỳ họp.

Báo cáo kết quả hoạt động năm 2024, ông Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST đã chia sẻ về những thành tựu quan trọng mà VKIST đạt được trong năm qua. Cụ thể, VKIST đã triển khai 35 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, với tổng kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Các kết quả đạt được bao gồm một bằng sáng chế được cấp tại Hàn Quốc cùng 16 công nghệ sẵn sàng chuyển giao, trong đó 8 công nghệ đã được các doanh nghiệp tiếp nhận và ứng dụng vào sản xuất.

Trong năm 2024, VKIST đã ký Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với 07 doanh nghiệp và tổ chức khoa học công nghệ trong nước và quốc tế. Theo ông Vũ Đức Lợi, với sứ mệnh trở thành viện nghiên cứu ứng dụng, VKIST đã có một số công nghệ, sản phẩm có thể chuyển giao cho các đơn vị, doanh nghiệp để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh và có doanh nghiệp đã gửi công văn đề nghị VKIST thực hiện việc chuyển giao để nhanh chóng phát triển sản phẩm ra thị trường.

VKIST đã và đang triển khai phối hợp thực hiện 10 nhiệm vụ hợp tác với đối tác nước ngoài về các lĩnh vực Điện tử, Công nghệ thông tin, Cảm biến sinh học, Công nghệ sinh học, Công nghệ năng lượng và môi trường và Nghiên cứu chính sách về KH&CN. Trong đó có 09 nhiệm vụ hợp tác với Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đã được nghiệm thu thành công; và 01 nhiệm vụ hợp tác với Viện Nghiên cứu Điện tử và Viễn thông (ETRI) thực hiện đến hết 2026.

01

Viện trưởng Viện VKIST, Vũ Đức Lợi báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 của VKIST

Về chuyển giao khoa học và công nghệ cho địa phương: Năm 2024, VKIST đã đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện công nghệ "Hệ thống lọc nước nhiễm phèn, lợ thành nước đạt tiêu chuẩn sinh hoạt". Tháng 5/2024, hệ thống cấp nước đã được tối ưu hóa và triển khai tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn tỉnh Quảng Ngãi và tháng 8/2024 được lắp tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng mang đến nguồn nước sạch, đạt tiêu chuẩn nước ăn uống cho học sinh và giáo viên.

Kết nối hoạt động khoa học và công nghệ giữa Việt Nam – Hàn Quốc: VKIST đã kết nối cho hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học của Hàn Quốc, Ngoài ra, VKIST đã hợp tác và thực hiện các hợp đồng khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp có quy mô lớn trong hệ sinh thái của Hàn Quốc như Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam, Công ty Cổ phần Hyundai Aluminum Vina, Tập đoàn DataStreams… và đã tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế tại Viện.

Triển khai Dự án ODA “Hợp tác xây dựng Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc tại Việt Nam: Ngày 12/11/2024, Bộ KH&CN và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản thảo luận (RoD) về Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Bắc cầu giữa giai đoạn 1 và giai đoạn 2 Dự án hợp tác xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc.

VKIST lấy doanh nghiệp làm trung tâm và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh

Trên cơ sở kết quả hoạt động của năm 2024, Viện trưởng đã đề xuất kế hoạch công tác và nhiệm vụ trọng tâm 2025. Ông Vũ Đức Lợi cho biết, VKIST sẽ tập trung vào các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST có tính ứng dụng cao, đồng thời tiếp tục phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và tập trung vào công nghệ mới; VKIST định hướng xây dựng, lựa chọn các nhiệm vụ KH&CN theo mô hình lấy doanh nghiệp làm trung tâm; Nghiên cứu xây dựng mô hình nhóm nghiên cứu mạnh của VKIST do một nhà khoa học có uy tín, có năng lực, trình độ chuyên môn cao đứng đầu dẫn dắt để phát triển một hướng nghiên cứu có tính liên ngành, dài hạn, có tính tiên phong, đột phá nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn cao.

Ông Vũ Đức Lợi cũng đề xuất Bộ KH&CN và Hội đồng VKIST cho phép VKIST triển khai thí điểm một số mô hình và cơ chế mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN như: Áp dụng cơ chế giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, đồng thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm; Đề xuất triển khai giai đoạn 2 của dự án hợp tác với Hàn Quốc, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và vi mạch - bán dẫn.

Viện trưởng Viện VKIST chia sẻ, với mô hình hoạt động mới, có tham khảo mô hình hoạt động của Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KIST), VKIST hướng tới thực hiện các hoạt động chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước, đặc biệt là Hàn Quốc. VKIST đặt mục tiêu sẽ là Trung tâm công nghệ (Technology Hub) trong hoạt động chuyển giao nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc, là đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Hàn Quốc.

Trong thời gian tới, VKIST sẽ tham gia các hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ có liên quan như "chợ công nghệ" và "tư vấn công nghệ".

Sau khi lắng nghe các báo cáo, Hội đồng Viện đã thảo luận và đánh giá cao những kết quả VKIST đã đạt được trong năm 2024.

03

TS. Nguyễn Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng VKIST phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại kỳ họp, TS. Nguyễn Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng VKIST, nhấn mạnh vai trò quan trọng của hành lang pháp lý trong việc xây dựng và vận hành các tổ chức KH&CN. Theo ông, VKIST là tổ chức công lập được thành lập theo mô hình thí điểm tại Nghị định số 50/2015/NĐ-CP, và qua nhiều năm hoạt động đã xuất hiện những vấn đề cần điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn.

TS. Nguyễn Quân nhận định, các vấn đề như giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, cơ chế chuyển giao công nghệ, và cơ chế tài chính dành cho các hoạt động nghiên cứu KH&CN cần được rà soát và thay đổi. Việc hoàn thiện những cơ chế này không chỉ giúp VKIST hoạt động hiệu quả hơn mà còn đặt nền tảng để nhân rộng mô hình này cho các tổ chức KH&CN công lập khác.

Lấy cảm hứng từ mô hình Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST), TS. Nguyễn Quân đặc biệt nhấn mạnh vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hoạt động của VKIST. “Doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò là khách hàng đặt hàng nghiên cứu mà còn là đối tác chiến lược trong việc triển khai và tiêu thụ sản phẩm KH&CN. Để đạt được điều này, VKIST cần có chính sách đột phá trong việc kết nối với doanh nghiệp và xây dựng các cơ chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nghiên cứu”, ông nói.

Phó Chủ tịch Hội đồng VKIST cho rằng, để xây dựng một tổ chức KH&CN tiên tiến, cần đặc biệt chú trọng đến việc thu hút, tuyển dụng và giữ chân đội ngũ nhân tài. VKIST phải xây dựng các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo môi trường làm việc thuận lợi để khuyến khích sự sáng tạo và cống hiến của đội ngũ nghiên cứu. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện mô hình “nghiên cứu theo nhu cầu thị trường” trong đó doanh nghiệp có thể đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể hoặc tham gia các dự án hợp tác. Đồng thời, VKIST cần tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt với Hàn Quốc, trong các lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và năng lượng.

Phát biểu bế mạc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Viện, Bùi Thế Duy bày tỏ tin tưởng và giao trọng trách cho Lãnh đạo VKIST cố gắng, quyết tâm hơn nữa trong việc tích cực triển khai các kế hoạch, mục tiêu đề ra trên cơ sở chủ trương đã được Hội đồng Viện thông qua để tiếp tục phát triển như kỳ vọng của hai Chính phủ và trở thành biểu tượng tiêu biểu nhất cho mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc.

02

Các đại biểu tham dự kỳ họp chụp ảnh lưu niệm.

Từ khóa: Tin hoạt động VKIST

Bài liên quan