Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc: “Đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ Hàn Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam”

Thứ năm, 11/05/2023 | 09:00

Thành lập VKIST với mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa và phát triển bền vững của Việt Nam

vkist

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm KIST năm 2012 đặt vấn đề Hàn Quốc giúp Việt Nam xây dựng VKIST với mục tiêu là cầu nối chuyển giao công nghệ của Hàn Quốc cho Việt Nam

Thành lập VKIST với mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa và phát triển bền vững của Việt Nam

Nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc vào tháng 3/2012, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam xây dựng một viện nghiên cứu theo mô hình của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (Korea Institute of Science and Technology - KIST) với mục tiêu trở thành một viện đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu về nghiên cứu ứng dụng phục vụ quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Chính phủ Việt Nam kỳ vọng việc vận dụng khéo léo mô hình thành công của KIST vào bối cảnh thực tiễn tại Việt Nam sẽ giúp tạo nên sự chuyển mình kỳ diệu của ngành khoa học và công nghệ nói riêng và sự phát triển của nước nhà nói chung như những gì KIST đã đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước Hàn Quốc trong gần 60 năm qua.

Tháng 5/2015, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (Vietnam - Korea Institute of Science and Technology - VKIST) được Chính phủ Việt Nam thành lập theo Nghị định số 50/2015/NĐ-CP trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. Sứ mệnh của VKIST là phát triển công nghệ nguồn, nghiên cứu nâng cấp công nghệ phục vụ các ngành công nghiệp chiến lược, then chốt; phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực; phát triển công nghệ tích hợp để thay thế công nghệ nhập khẩu. VKIST được kỳ vọng sẽ trở thành đơn vị dẫn đầu về cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp thành công trên thị trường và là cầu nối giúp kéo gần khoảng cách giữa nghiên cứu hàn lâm và nhu cầu công nghệ thực tế. Sự thành công của mô hình VKIST sẽ trở thành tiền đề cho các tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam học hỏi để đổi mới, từ đó tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự chuyển mình của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

VKIST là cầu nối để chuyển giao công nghệ Hàn Quốc cho Việt Nam

Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc được thiết lập từ năm 1992 và ngày càng trở nên mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc và Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trong ASEAN, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt hơn 80 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch giữa ASEAN và Hàn Quốc. Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, đang đầu tư ở 19/21 ngành kinh tế và 59/63 tỉnh, thành phố với 9.383 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 80 tỷ USD, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Huyndai, Kia, Lotte. Chính phủ Việt Nam coi trọng những đóng góp của các nhà đầu tư Hàn Quốc đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, xem đây là một trong những nhân tố then chốt đóng góp cho sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời gian tới, hai nước sẽ ưu tiên hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ cao, công nghệ xanh, kinh tế xanh, kinh tế số, đô thị thông minh... hướng tới mục tiêu nâng tầm mối quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Dự án hợp tác xây dựng VKIST là dự án ODA không hoàn lại lớn nhất của Hàn Quốc tại Việt Nam. VKIST được kỳ vọng sẽ trở thành hạt nhân lan tỏa, thúc đẩy dòng luân chuyển tri thức và công nghệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam; đồng thời thu hút sự vào cuộc mạnh mẽ của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp hai nước nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy chuyển giao công nghệ vì các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của hai quốc gia, phục vụ lợi ích của người dân và cộng đồng. VKIST sẽ có những đóng góp tích cực đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực, gồm có khoa học công nghệ, đào tạo, để hiện thực hóa “Mối quan hệ Hàn Quốc - ASEAN theo Chính sách phương Nam mới”. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In từng kỳ vọng VKIST sẽ góp phần tạo nên thành quả cho Chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc, trở thành biểu tượng cho hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực KH&CN giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

2

Lễ động thổ xây dựng VKIST vào tháng 3/2018

3-2

VKIST đã xây dựng xong giai đoạn 1 năm 2022

Các hướng nghiên cứu đầu tiên của VKIST

Tại Việt Nam, vai trò và sức ảnh hưởng của hoạt động R&D trong doanh nghiệp còn chưa thực sự lớn. Hiện nay, có khá ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào hoạt động R&D nên chưa tạo ra làn sóng phát triển rộng khắp ngành công nghiệp; do vậy, chưa thể tạo ra tác động lớn đến nền kinh tế nói chung. Đồng thời, sự hợp tác trong hoạt động R&D giữa khối viện – trường – doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ và tạo ra ‘sức nặng’.

Để thực hiện sứ mệnh của mình, giai đoạn đầu tiên VKIST sẽ tiếp nhận, phát triển và chuyển giao các công nghệ cốt lõi của Hàn Quốc cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm thay thế công nghệ nhập khẩu. Các lĩnh vực công nghệ thế mạnh của Hàn Quốc sẽ được ưu tiên phát triển nhờ sự giúp đỡ của phía bạn thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu chung giữa KIST và VKIST, gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tích hợp và xây dựng nền tảng nghiên cứu công nghệ nguồn. Thông qua các khảo sát công nghiệp chuyên sâu về nhu cầu thị trường và thế mạnh của Việt Nam, VKIST đã xác định được 02 định hướng nghiên cứu chính là Công nghệ thông tin (IT) và Công nghệ sinh học (BT). Trên cơ sở đó, trong giai đoạn đầu, VKIST tập trung nghiên cứu vào phát triển các lĩnh vực Công nghệ thông tin (IT), Công nghệ sinh học (BT), Công nghệ tích hợp IT-BT và Cơ điện tử. Đây là những ngành công nghệ mà Hàn Quốc đã đi trước và thành công trong cả nghiên cứu, sản xuất công nghiệp và thương mại hóa, từ đó đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển nền công nghiệp và kinh tế của Hàn Quốc. Phía bạn sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam theo hướng chuyển giao để nội địa hóa các công nghệ thuộc lĩnh vực này nhằm phát triển nền công nghiệp sản xuất trong nước. VKIST được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng tiếp nhận, hấp thụ và phát triển công nghệ mới nhằm thúc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa trong bối cảnh công nghiệp 4.0, từ đó nâng cao vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ khóa: Tin hoạt động VKIST

Bài liên quan