Khối các Viện và Trung tâm trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024

Thứ sáu, 19/01/2024 | 09:35

Ngày 17/01/2024, tại trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), Khối các Viện và Trung tâm thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Lãnh đạo các đơn vị trong Khối các Viện và Trung tâm, gồm: Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Viện Nghiên cứu phát triển Vùng, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc và Trung tâm nghiên cứu và phát triển Hội nhâp KH&CN quốc tế.

btd

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Trong khuôn khổ Hội nghị, lãnh đạo các Viện đã báo cáo về kết quả công tác trong năm 2023 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2024, tiến hành thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm công tác và đề ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác, tăng cường sự phối hợp, gắn kết giữa các đơn vị trong Khối với các đơn vị quản lý của Bộ.

tc

Toàn cảnh Hội nghị

Theo báo cáo từ các đơn vị, năm 2023 Khối các Viện và Trung tâm đã đạt được nhiều thành tích mang tính điểm nhấn:

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) đã phát triển được 10 công nghệ ở mức độ sẵn sàng chuyển giao và 08 công nghệ đang ở giai đoạn nghiên cứu hoàn thiện, thực hiện được 07 hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ với tổng kinh phí là hơn 9,4 tỷ đồng. Viện đã ký Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với 07 doanh nghiệp và tổ chức khoa học công nghệ trong nước và quốc tế; tổ chức các buổi hội thảo, kết nối gặp gỡ giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam; tổ chức tiếp đón 40 đoàn vào, bao gồm các đoàn lãnh đạo các cấp của Hàn Quốc, các đoàn doanh nghiệp và viện trường của Hàn Quốc, tới thăm và làm việc; tổ chức kết nối 20 doanh nghiệp Hàn Quốc có nhu cầu hợp tác với các doanh nghiệp tại Việt Nam qua sự hỗ trợ của Viện KIST; 01 diễn đàn công nghiệp với chủ đề “Phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ Nhân sâm: một số kinh nghiệm từ Hàn Quốc” có sự tham gia của Viện nghiên cứu sâm Geumsan Hàn Quốc và gần 200 doanh nghiệp Việt Nam; 02 hội thảo quốc tế với chủ đề “Nghiên cứu ứng dụng tài nguyên thực vật Việt Nam trong công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm” và “Phát triển xanh và thành phố thông minh, an toàn” có sự tham gia của gần 100 nhà khoa học Hàn Quốc và Việt Nam. Đặc biệt công nghệ “Hệ thống tích hợp xử lý nước mặn, nước phèn” của VKIST đã được bình chọn là một trong 10 sự kiện KH&CN nổi bật năm 2023 do Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức.

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã triển khai thực hiện 04 đề tài cấp Bộ (02 đề tài chuyển tiếp và 02 đề tài mới) và 05 đề tài cấp cơ sở; 04 đề tài cấp Bộ (02 đề tài chuyển tiếp và 02 đề tài mới) và 05 đề tài cấp cơ sở. Viện đã phối hợp với một số đơn vị/tổ chức trong và ngoài nước tiến hành các buổi tọa đàm, hội thảo, tập huấn, huấn luyện về sở hữu trí tuệ; Phối hợp với Trung tâm quốc gia về Đào tạo và Thông tin sở hữu công nghiệp Nhật Bản (INPIT) và các Trạm IPPlatform tổ chức Hội nghị "Tổng kết hoạt động vận hành, khai thác Nền tảng IPPlatform và các Trạm IPPlatform” với sự tham dự của Lãnh đạo Bộ và gần 200 đại biểu (trực tiếp và trực tuyến) là lãnh đạo và cán bộ từ các đơn vị trực thuộc bộ, hiệp hội, trường đại học, các công ty luật và 37 Sở KH&CN trên cả nước; thực hiện 282 vụ việc tư vấn, hoạt động tư vấn được thực hiện chuyên môn hóa để kịp đáp ứng nhu cầu tư vấn về hoạt động giám định nhằm hỗ trợ cho hoạt động thực thi quyền sở hữu công nghiệp ngày càng tăng.

Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ đã khai thác và phát triển CSDL chuyên gia KH&CN là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của Viện được Bộ trưởng giao nhằm phục vụ trực tiếp và thường xuyên đối với công tác quản lý của Bộ KH&CN. Viện đã cung cấp 7.001 lượt chuyên gia để thành lập 526 Hội đồng tư vấn nhiệm vụ cấp Quốc gia, chủ yếu cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ; tiếp tục triển khai Đề tài cấp Quốc gia thuộc đề án 844 chuyển tiếp từ năm 2023: “Hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; phát triển các nền tảng trực tuyến liên kết, kết nối các thành phần của hệ sinh thái ĐMST”; Tích cực triển khai xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ cho việc triển khai hoạt động lâu dài của đơn vị tiến tới đẩy mạnh dịch vụ công thông qua việc triển khai Đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước trong hoạt động định giá công nghệ; đánh giá trình độ và năng lực công nghệ; định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; định giá tài sản trí tuệ”; Tiếp tục triển khai Đề tài cấp Bộ chuyển tiếp từ năm 2023: “Nghiên cứu cơ sở Lý luận và thực tiễn về hoạt động định giá công nghệ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia định giá công nghệ, tổ chức định giá công nghệ và thông tin định giá công nghệ”. Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng chuyên gia thuộc CSDL, Viện đã liên tục rà soát cập nhật thông tin mới về hoạt động KH&CN của chuyên gia đã có trong CSDL cũng như tìm kiếm, liên hệ để mời thêm được trên 500 chuyên gia KH&CN trong nước để cập nhật mới vào CSDL chuyên gia (hiện có gần 6.000 chuyên gia); tổ chức nghiệm thu 07 nhiệm vụ cấp cơ sở theo đúng tiến độ phê duyệt và đang tiến hành xét duyệt 01 nhiệm vụ cấp Bộ năm 2024.

Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác công nghệ đã thực hiện ký kết 30 hợp đồng cung cấp dịch vụ về khai thác sáng chế và tư vấn sở hữu trí tuệ cho 19 lượt khách hàng tổ chức và 11 lượt khách hàng cá nhân. So với năm 2022, số lượng hợp đồng dịch vụ của Viện tăng khoảng 40%, đồng thời chất lượng dịch vụ của Viện ngày càng được nâng cao đáp ứng được các yêu cầu đa dạng của khách hàng, số lượng khách hàng quan tâm đến các dịch vụ của Viện tăng lên đáng kể, góp phần tăng nguồn thu cho Viện, hỗ trợ một phần kinh phí chi thường xuyên của Viện, đảm bảo nâng tỉ lệ tự chủ của Viện đã xây dựng trình Lãnh đạo Bộ năm 2023 lên 60%. Trong năm 2023, Viện SCCN đã tổ chức tập huấn và hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp tại Bình Định về khai thác và bảo hộ sáng chế tại Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Định; Viện đang tiếp tục triển khai các đầu việc để hỗ trợ sở KH&CN Bình Định: Tư vấn, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho công nghệ sản xuất các sản phẩm từ sâm bố chính cho Công ty TNHH Sâm Bố Chính Tâm Linh (Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định); Trao đổi, nghiên cứu phương án hỗ trợ khai thác sáng chế thuốc hết hạn bảo hộ trong năm 2024, 2025 cho Công ty dược Bình Định.Đặc biệt, trong khuôn khổ các sự kiện Techfest Vietnam 2023 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Viện đã phối hợp cùng Hội Sáng chế Việt Nam và Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN), Làng sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tổ chức chương trình Vinh danh Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2023, qua đó hỗ trợ thương mại hóa sáng chế, tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới, tiên tiến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Vùng và địa phương. Viện đã triển khai thực hiện: 03 nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia; 04 nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, 01 nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ khác; 30 nhiệm vụ KH&CN cấp Tỉnh và các Hợp đồng chuyển giao công nghệ; 09 nhiệm vụ cấp cơ sở. Các nhiệm vụ tập trung vào một số lĩnh vực: Xây dựng Chương trình, Định hướng chiến lược và giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các tỉnh Nam Định, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Hòa Bình,….; Xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, có giá trị kinh tế như: cam, bưởi, bơ, mít, đào chuông, trám, sở, chè, quế hữu cơ, cát sâm, lúa, khoai lang ....; Tư vấn, xác lập quyền sở hữu trí tuệ (xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu) cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương tại Yên Bái, Lai Châu, …;Thử nghiệm trồng một số loại cây trồng nhập nội như: Riềng ấm (Alpinia zerumbet Pers.), Bơ Cu ba (Choquete, Julio…), Nopal, chuối già Nam Mỹ, cây Kế sữa (Silybum marianum (L.) Gaernt), Anh Thảo (Oenothera biennis L.); Nghiên cứu hoàn thiện các quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, thâm canh một số giống cây trồng như: Sở, lúa nếp thơm, đào phai cánh đơn, đào phai cánh kép, Lan một lá, Sâm tố nữ, Ngải đen, Câu đằng, Cam thảo dây, Cam thảo đất …; Năm 2024 Viện tiếp tục duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; đầu tư, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý Phòng Thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005; Mở rộng các chỉ tiêu phân tích đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn sản xuất và đời sống; được chỉ định là tổ chức đánh giá chất lượng phân bón (hữu cơ, hữu cơ vi sinh).

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hội nhập KH&CN quốc tế Trong năm 2023, Trung tâm được Bộ giao 04 nhiệm vụ. Trung tâm đã tổ chức thực hiện hoàn thành trước hạn 03 nhiệm vụ và đúng thời hạn 01 nhiệm vụ. Trung tâm đã cùng đối tác quốc tế (Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Việt Nam - UVBC) với sự hỗ trợ của Hội đồng Kinh doanh Australia- Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn quốc tế về nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm. Thực hiện (MOU) đã ký kết với Cơ quan hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp Hàn Quốc (KOSME), Trung tâm đã cùng phía bạn triển khai hoạt động đánh giá, tư vấn doanh nghiệp (APEC CONSULTING) năm 2023 tại Việt Nam với 04 doanh nghiệp Việt Nam (02 doanh nghiệp tại Hải Phòng về lĩnh vực đóng tàu và điện chiếu sáng/ thiết bị điện; 01 doanh nghiệp tại Hà Nội về sản xuất dược phẩm và 01 doanh nghiệp tại Hưng Yên về may mặc)…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đánh giá cao những kết quả các đơn vị trong khối Viện và Trung tâm đã đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị cần bám sát các định hướng hoạt động của Bộ, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo chức năng nhiệm vụ được phê duyệt trong thời gian tới. Các đơn vị cần xác định rõ phương hướng tự chủ để thu hút các nguồn lực đầu tư và tăng cường nguồn thu từ xã hội. Đối với nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm, các đơn vị cần chủ động đề xuất những vấn đề đúng và trúng, đồng hành cùng doanh nghiệp để góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngoài ra, các Viện nghiên cứu và Trung tâm cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, đưa những kết quả nghiên cứu vào sản xuất thực tiễn. Mỗi một đơn vị trong khối Viện và Trung tâm trực thuộc Bộ KH&CN cần chủ động xây dựng kế hoạch trọng tâm trong đó tập trung phát triển những thế mạnh riêng của mỗi đơn vị để hoạt động hiệu quả.

Thay mặt lãnh đạo các đơn vị, PGS.TS Vũ Đức Lợi Viện trưởng Viện VKIST tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng Bùi Thế Duy và cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Bộ trưởng, các đồng chí Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị chức năng của Bộ trong thời gian vừa qua và mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn nữa những nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao cho các đơn vị trong Khối Viện và Trung tâm. Tập thể cán bộ công chức viên chức và người lao động các Viện và Trung tâm thuộc Bộ sẽ quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2024.

Từ khóa: Tin hoạt động VKIST

Bài liên quan