Khối các Viện trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổng kết công tác năm 2021

Thứ ba, 28/12/2021 | 07:00

Ngày 27/12/2021, tại trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), Khối các Viện trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Đại diện một số Vụ chức năng thuộc Bộ và cán bộ chủ chốt thuộc các đơn vị trong Khối Viện (Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Viện Nghiên cứu phát triển Vùng, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc).

Tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo các đơn vị, các đồng chí Viện trưởng các Viện đã báo cáo về kết quả công tác trong năm 2021 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị đã được nghe ý kiến trao đổi, góp ý của Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các ý kiến tăng cường phối hợp giữa Viện thuộc Bộ với các đơn vị quản lý của Bộ.

toan-canh

Toàn cảnh Hội nghị

Năm 2021, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Viện KHSHTT) đã đã triển khai thực hiện 02 đề tài cấp bộ, 09 đề tài cấp cơ sở; tiếp nhận, thụ lý và đưa ra kết luận giám định cho 967 hồ sơ các loại giảm 7% so với năm 2020 (1.039 hồ sơ) và bắt đầu triển khai thực hiện các dịch vụ sở hữu trí tuệ khác (dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp; dịch vụ đánh giá khả năng đăng ký, sử dụng đối tượng SHCN…). Việc quản lý, vận hành nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp (nền tảng IPPlatform) tiếp tục được khai thác tốt với việc thiết lập được 19 Trạm IPPlatform tại các địa phương trên cả nước. Về công tác đào tạo sở hữu trí tuệ, Viện phối hợp với một số đơn vị/tổ chức trong nước tiến hành các buổi tọa đàm, hội thảo về sở hữu trí tuệ như: Hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học” tại Trường đại học Phan Thiết; Hội nghị “Xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp tư nhân tại Sở KHCN Hải phòng và Hội nghị “Khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ SHCN” tại Hà Nội. Ngoài ra, Viện đã tổ chức 01 khóa bồi dưỡng về quản trị tài sản trí tuệ cho cán bộ thuộc doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Định và các lớp bồi dưỡng, huấn luyện về khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp tại Sở KH&CN Hải Phòng, Cao Bằng, Gia Lai, Ninh Thuận ….

Theo báo cáo, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc(VKIST), trong năm 2021 công tác nghiên cứu của Viện đã có một số thành tích như sau: triển khai 14 đề tài cấp Bộ, 08 đề tài cấp cơ sở, 05 đề tài hợp tác chung giữa VKIST và KIST, 04 dự án chung, 04 đề tài phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Khoa học thông tin và truyền thông Hàn Quốc. Ngoài ra, Viện còn triển khai các nhiệm vụ khác như: Nghiên cứu về Chính sách Khoa học, Công nghệ tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt dựa trên căn chỉnh 3D để hỗ trợ quản lý trực tuyến trường mẫu giáo và nghiên cứu chung giữa VKIST và KIST về các thiết bị motor và động cơ đồng bộ nam châm vĩnh cửu PMSM cho các phương tiện chạy bằng điện và hệ thống điều khiển, sạc pin cho ô tô điện, tập trung xác định các carotenoid trong những giai đoạn chín khác nhau của quả Gấc, được thu thập ở Việt Nam và phát triển các phương pháp chiết xuất, bảo quản và lưu giữ cho sản phẩm; phát triển là hai dòng sản phẩm que thử sắc ký miễn dịch từ tính (MagLFIA) phát hiện dấu ấn ung thư vú và virus cúm gia cầm. Về công tác quản trị hành chính, nhân sự, truyền thông - đối ngoại, xây dựng và quản lý cơ sở vật chất của VKIST được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định mặc dù những nội dung công việc này cũng bị ảnh hưởng một phần bởi dịch bệnh.

Là một đơn vị mới thành lập, VKIST vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bộ máy tổ chức và vận hành Viện, trong năm qua VKIST đã triển khai khối lượng công việc đáng kể, trong đó có một số điểm nổi bật như sau: về công tác truyền thông, Viện đã ra mắt giao diện trang web mới và bộ nhận diện thương hiệu; tổ chức các sự kiện lớn như: Lễ gắn biển tên; đón nhiều đoàn doanh nghiệp và viện/trường về thăm, làm việc và trao đổi hợp tác; ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ Công ty Cổ phần Nam Dược, Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI, Viện Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa. Về công tác nhân sự, trong năm 2021, VKIST đã tổ chức 06 đợt tuyển dụng, đồng thời thực hiện công tác rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo quản lý các cấp giai đoạn 2021 – 2026. Viện đã nỗ lực kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng các hệ thống quy chế và quy trình hướng dẫn triển khai công việc và tập trung xây dựng các tòa nhà trung tâm, mua sắm trang thiết bị phục vụ nghiên cứu…

Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Viện Đánh giá) đã hoàn thành tốt các mặt công tác trong năm 2021. Công tác liên quan trực tiếp đến phục vụ quản lý nhà nước của Bộ được Viện tích cực triển khai: Viện tiếp tục quản lý, khai thác, phát triển cơ sở dữ liệu chuyên gia của Bộ đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý của Bộ trong việc thành lập các hội đồng tư vấn nhiệm vụ cấp Quốc gia và tiếp cận với thông lệ Quốc tế. Viện đã cung cấp hơn 13.500 lượt chuyên gia để thành lập khoảng 1.050 Hội đồng tư vấn nhiệm vụ cấp Quốc gia, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KH&CN, cho 11 đơn vị chức năng thuộc Bộ và 05 đơn vị ngoài Bộ (số lượng cung cấp gấp khoảng 1,7 lần so năm 2020); Tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập nhiều văn bản pháp luật của Bộ; Viện tiếp tục triển khai tốt các hoạt động nghiên cứu với thực hiện 05 nhiệm vụ cấp Bộ (02 nhiệm vụ cấp Bộ chuyển tiếp từ năm 2020, 03 nhiệm vụ cấp Bộ bắt đầu tiển khai năm 2021) và 5 nhiệm vụ cấp cơ sở. Triển khai Quyết định số 2488/QĐ-BKHCN ngày 06/10/2021 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về việc Ban hành Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP, Viện Đánh giá đã xây dựng và được phê duyệt nhiệm vụ cấp Nhà nước theo đề án 844 về xây dựng công cụ trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đánh giá, định giá công nghệ (triển khai năm 2022), Được phê nhiệm vụ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật về công tác đánh giá, định giá công nghệ, được Lãnh đạo Bộ đồng ý chủ trương phê duyệt nhiệm vụ nâng cấp toàn diện cơ sở dữ liệu chuyên gia KH&CN của Bộ do Viên quản lý; và đề xuất một số nhiệm vụ khác dự kiến triển khai năm 2022. Thông qua các kết quả nghiên cứu, Viện đã có 05 bài báo được công bố trên các tạp chí KH&CN uy tín trong nước và Quốc tế. Các kết quả của Viện đã cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn và là tài liệu hữu ích để các đơn vị chức năng trong của Bộ sử dụng trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt phục vụ công tác tái cấu trúc các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025, xây dựng chương trình hợp tác giữa Bộ KH&CN và Bộ Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2021-2025. Tích cực phối hợp, hỗ trợ Sở KH&CN địa phương: Bắc Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thái Nguyên, Ninh Thuận,... đánh giá trình độ, năng lực công nghệ doanh nghiệp sản xuất. Năm 2021, Viện đã triển khai xác định giá trị 12 kết quả nghiên cứu sử dụng vốn nhà nước (thuộc Học viện Nông nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Sở KH&CN Thái Nguyên …) để phục vụ việc thành lập doanh nghiệp KH&CN, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp phát triển thị trường KH&CN. Công tác tổ chức cán bộ cũng được Viện Đánh giá thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Trong tháng 4/2021, Viện tiếp Đoàn Thanh tra Bộ Nội vụ về việc thanh tra công tác quản lý biên chế viên chức, công tác bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng cán bộ tại Viện theo phân cấp của Bộ. Kết quả thanh tra, trong giai đoạn 2018-2020, Viện sử dụng số lượng người làm việc không vượt quá số lượng được phân bổ và điều kiện, tiêu chuẩn đối với việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ Lãnh đạo cấp Phòng và tương đương được thực hiện đúng theo quy định của Pháp luật và của Bộ KH&CN. Viện đã yêu cầu 100% cán bộ sử dụng và trình công văn, báo cáo trên hệ thống văn bản điều hành của Bộ. Từ đầu năm đến hết ngày 20/12/2021, Viện đã xử lý 1.511 công văn đến và có 706 công văn phúc đáp các đơn vị. Đồng thời, Viện đã hoàn thành tốt việc chuẩn bị hồ sơ và đã được Bộ Xây dựng nghiệm thu công trình và đã đưa  vào sử dụng ổn định Dự án “Cải tạo mái nhà, chống thấm, cải tạo một số phòng làm việc Tòa nhà 39 Trần Hưng Đạo”.  

Năm 2021, trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Viện SCCN) đã nỗ lực hoàn thành tốt kế hoạch công tác năm trên tất cả các mặt: công tác nghiên cứu, công tác tổ chức, đào tạo cán bộ, công tác kế hoạch tài chính, công tác văn thư lưu trữ, công tác thi đua, khen thưởng... Với mục tiêu hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, Viện SCCN đã nghiên cứu khai thác và phân tích dữ liệu sáng chế theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Tính đến tháng 12/2021, Viện SCCN đã cung cấp được hơn 500 sáng chế, thông tin sáng chế chọn lọc cho khoảng 20 lượt doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, để phục vụ các hoạt động nghiên cứu và phát triển điển hình như công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn, công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông... Bên cạnh đó, Viện SCCN cũng nghiên cứu phát triển thành công cụ phân tích và lập bản đồ sáng chế giúp cho tổ chức, doanh nghiệp tránh được nghiên cứu trùng lặp, rút ngắn thời gian nghiên cứu và nghiên cứu những vấn đề mà thị trường đang đòi hỏi. Với công cụ này, Viện SCCN đã bước đầu có những đặt hàng phân tích từ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam- Hàn Quốc, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc và một số tập đoàn lớn khác.

Viện SCCN cũng đã nghiên cứu giải mã và ứng dụng các bí quyết công nghệ từ các sáng chế để phát triển các sản phẩm mới cho doanh nghiệp, địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Viện SCCN đã thiết kế, chế tạo và chuyển giao thành công Lò sấy thuốc là không dùng củi đốt theo đặt hàng của tỉnh Gia Lai nhằm hạn chế nạn chặt phá rừng và bảo vệ môi trường; phát triển thành công máy rải phân vi sinh phục vụ nông dân tại các tỉnh phía Bắc..

Ngoài ra, Viện SCCN cũng chủ động khảo sát, đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề xuất phát từ nhu cầu thực tế của các địa phương. Qua đó, Viện đã nhận được đặt hàng thực hiện một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai… Hiện nay, Viện SCCN đã và đang triển khai 15 nhiệm vụ nghiên cứu nghiên cứu các cấp. Các kết quả nghiên cứu của Viện đã được tiến hành đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích hoặc công bố trên các hội thảo, ấn phấm uy tín trong nước và quốc tế như ”Future Data and Security Engineering” của nhà xuất bản Springer hay hội thảo AUN/SEED-Net Joint Reginal Conference in Transportation, Energy and Mechanical Manufacturing Engineering – RCTEMME2021.

Viện SCCN đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo dưới hình thức trực tuyến để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sáng chế, doanh nghiệp, nhà đầu tư, trường đại học, các tổ chức khoa học và công nghệ. Viện SCCN cũng đã tư vấn thương mại hóa sáng chế trực tiếp cho 03 tổ chức, cá nhân sở hữu bằng sáng chế. Viện đã thực hiện một số nhiệm vụ phục vụ Đổi mới sáng tạo như: Tham gia và trở thành thành viên trong Làng sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo do Hội Sáng chế Việt Nam thành lập; phối hợp cùng các đơn vị  tổ chức “Cuộc thi giải pháp thương mại hoá sáng chế” và “Vinh danh ngôi sao sáng chế IPSTAR 2021”, cán bộ Viện cũng tham gia làm giám khảo cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa” (vòng thi Chung kết) và tham gia tư vấn, hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trong cuộc thi cải thiện công nghệ, ý tưởng, sản phẩm của mình; định hướng các nhóm trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các ý tưởng, sản phẩm và thương mại hóa các ý tưởng, sản phẩm này.

Trong năm 2021, Viện SCCN tiếp tục đẩy mạnh triển khai mảng dịch vụ liên quan tới nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp giúp tạo ra doanh thu và thông qua đó Viện SCCN có thể tuyển dụng thêm người lao động do Viện tự chi trả lương, đáp ứng khối lượng công việc ngày càng tăng của đơn vị.

Năm 2021, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới, tiên tiến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Vùng và địa phương. Viện đã triển khai thực hiện 04 nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia, 05 nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, 28 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 05 Hợp đồng chuyển giao công nghệ, 26 Hợp đồng dịch vụ môi trường. Các nhiệm vụ tập trung vào một số lĩnh vực: Xây dựng Chương trình, Chiến lược phát triển KH&CN cấp tỉnh, Kế hoạch phát triển KH&CN cấp huyện, thị xã; Xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế; Tư vấn, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, ...); Xây dựng Chương trình khung Quỹ Gen; Thử nghiệm công nghệ bảo quản và chế biến một số sản phẩm nông sản; Thử nghiệm sản xuất phân hữu cơ vi sinh và một số chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng trong sản xuất nông nghiệp; Nghiên cứu bảo tồn một số nguồn Gen quý như: Thất diệp nhất chi hoa, ngải đen, Sâm tố nữ, Câu đằng, Lan một lá, Đào cảnh, Đào chuông, Cam thổng, ... Các nhiệm vụ được triển khai rộng trên 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, Viện sử dụng có hiệu quả Phòng Thí nghiệm để phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng phòng Thí nghiệm đạt chuẩn VILAS; Trạm Thực nghiệm ươm tạo và Thực hành công nghệ đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho Vùng Bắc Trung Bộ và bước đầu sản xuất và thương mại hoá được một số sản phẩm là kết quả của các đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia, cấp Bộ (hoa Lan Hồ điệp, cam, bưởi, ...). Năm 2022 Viện tiếp tục được đầu tư, tăng cường các thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và bổ sung các thiết bị và dụng cụ phụ trợ để hoàn thiện hệ thống phân tích trong các lĩnh vực phân tích kiểm nghiệm các nhóm mẫu môi trường (đất; nước; không khí; chất thải…); nông sản, thực phẩm; phân bón, thức ăn chăn nuôi, khoáng sản, hóa chất,…. tiếp tục bổ sung và nâng cao năng lực đánh giá các chỉ tiêu vi sinh vật và chỉ tiêu hữu cơ, mở rộng địa bàn nghiên cứu chuyển giao công nghệ tại các địa phương trên cả nước.

Hội nghị đã được nghe ý kiến trao đổi, góp ý của Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các đại biểu dự hội nghị các ý kiến tăng cường phối hợp giữa Viện thuộc Bộ với các đơn vị quản lý của Bộ.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao những kết quả các đơn vị trong khối Viện đã đạt được, Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng các Viện thuộc Bộ cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo đúng kế hoạch đặt ra. Trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị cần bám sát các định hướng hoạt động của Bộ, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo chức năng nhiệm vụ được phê duyệt. Các đơn vị cần xác định rõ phương hướng tự chủ để thu hút các nguồn lực đầu tư và tăng cường nguồn thu từ xã hội. Đối với nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm, các đơn vị cần chủ động đề xuất những vấn đề đúng và trúng, đồng hành cùng doanh nghiệp để góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngoài ra, các Viện nghiên cứu cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, đưa những kết quả nghiên cứu vào sản xuất thực tiễn. Mỗi một đơn vị trong khối Viện trực thuộc Bộ KH&CN cần chủ động xây dựng kế hoạch trọng tâm trong đó tập trung phát triển những thế mạnh riêng của mỗi đơn vị để hoạt động hiệu quả.

thu-truong

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Khối Viện trực thuộc Bộ.

Thay mặt các đa, đồng chí Trần Hậu Ngọc Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Văn Tùng và cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Bộ trưởng, các đồng chí Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị chức năng của Bộ trong thời gian vừa qua và mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn nữa những nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao cho các đơn vị trong Khối. Tập thể cán bộ công chức viên chức và người lao động các Viện thuộc Bộ sẽ quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2022.

Từ khóa: Tin hoạt động VKIST

Bài liên quan