Dự án thành lập VKIST và mô hình viện nghiên cứu xanh

Thứ bảy, 18/05/2024 | 09:00

Hình thành và phát triển từ con số 0 với rất nhiều khó khăn và áp lực, nhưng vượt lên tất cả, bằng sự nhiệt huyết, quyết tâm và kiên trì theo đuổi mục tiêu, VKIST đang ngày càng phát huy tốt vai trò là hạt nhân kết nối hợp tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.

Hành trình trên mảnh đất trống

Với mục tiêu thành lập một viện khoa học và công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần vào việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam, nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc vào tháng 3-2012, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam triển khai thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) theo mô hình Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST). Năm 2015, VKIST được thành lập theo Nghị định số 50/2015/NĐ-CP của Chính phủ với sứ mệnh nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại đa ngành, đa lĩnh vực để phục vụ cho các ngành công nghiệp, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa và sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. VKIST là dự án viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Hàn Quốc dành cho Việt Nam, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước.

Là người đầu tiên đồng hành trên con đường xây dựng và phát triển Viện, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân bày tỏ tin tưởng, VKIST sẽ là một cơ sở nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hàng đầu của Việt Nam, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, có thể chuyển giao vào các ngành kinh tế, công nghiệp và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, VKIST sẽ đóng góp và thúc đẩy nền khoa học và công nghệ của Việt Nam đạt được những bước tiến mới, nâng cao năng lực công nghệ nội sinh của quốc gia, góp phần sớm đưa Việt Nam hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu.

Năm 2017, VKIST chính thức đi vào hoạt động. Thời gian đầu, nhờ sự hỗ trợ của phía Hàn Quốc, từ tháng 6-2017, nguyên Viện trưởng KIST - TS. Kum Dongwha đã trở thành Viện trưởng đầu tiên của VKIST. Trong suốt 5 năm điều hành và xây dựng VKIST, TS. Kum Dongwha đã nỗ lực xây dựng và phát triển Viện trên cơ sở áp dụng có chọn lọc những cách làm thành công của KIST và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam, từng bước xây dựng VKIST theo mô hình mới.

Tiên phong trong đổi mới mô hình nghiên cứu ở Việt Nam

Sau khi Viện trưởng Kum Dongwha kết thúc nhiệm kỳ, VKIST đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm cán bộ quản lý cấp cao có uy tín và năng lực để điều hành, dẫn dắt Viện theo đúng các mục tiêu đề ra. Tháng 12-2023, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy đã trao quyết định bổ nhiệm PGS.TS Vũ Đức Lợi giữ chức vụ Viện trưởng Viện VKIST.

Trong một giai đoạn mới, PGS.TS Vũ Đức Lợi đã đặc biệt chú trọng đến việc hoàn thiện kế hoạch nghiên cứu trung, dài hạn, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập.

Hiện tại, VKIST đã gặt hái được một số thành quả đáng ghi nhận về cả phần cứng (cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu, văn phòng…) và phần mềm (các quy chế nội bộ, hệ thống lương đặc thù, cơ chế triển khai dự án nghiên cứu...). Từ con số nhân sự năm 2017 chỉ khoảng 5 người, đến nay, VKIST đã có hơn 90 thành viên, 5 phòng nghiên cứu đang hoạt động với nhiều nghiên cứu viên giỏi, cùng nhiều chuyên viên có trình độ từ nước ngoài trở về cống hiến cho Tổ quốc.

VKIST đang tập trung năng lực nghiên cứu phát triển các lĩnh vực, như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện tử, vật liệu, công nghệ thực phẩm và môi trường… Các hoạt động nghiên cứu của VKIST sẽ là cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu hàn lâm với nhu cầu công nghệ và các giải pháp thực tế cho doanh nghiệp. Mô hình VKIST được kỳ vọng sẽ trở thành tiền đề cho các tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam học hỏi và đổi mới, từ đó tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự chuyển mình của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Theo PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện VKIST, giai đoạn 2 của dự án có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của VKIST trong tương lai. VKIST đã và đang tập trung vào kiện toàn các hoạt động thiết lập cơ cấu tổ chức, tuyển dụng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, xây dựng cơ chế đãi ngộ cạnh tranh, thiết kế các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực hiệu quả. Sắp tới, VKIST sẽ đầu tư thêm những trang thiết bị nghiên cứu hiện đại xây dựng phòng thí nghiệm đủ điều kiện cho các nhà khoa học, các nghiên cứu viên của VKIST có cơ sở để thực hiện các nghiên cứu của mình. Đặc biệt, VKIST sẽ xây dựng chương trình đào tạo sau đại học nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho các nhà khoa học, kỹ sư ở Việt Nam.

“Trên con đường xây dựng và phát triển một viện nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực định hướng công nghệ phục vụ các ngành công nghiệp; cung cấp dịch vụ kỹ thuật tiên tiến và nguồn nhân lực công nghệ, kỹ thuật trình độ cao cho các doanh nghiệp và các ngành, lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật, VKIST sẽ đẩy mạnh phát triển theo định hướng lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là giá trị cốt lõi trong mọi hoạt động, tiên phong trong đổi mới nghiên cứu ở Việt Nam. Nghiên cứu phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng là tiêu chí quan trọng thể hiện vai trò, năng lực không thể thiếu trong nhiệm vụ trọng tâm của VKIST nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập.

Để tiếp tục phát huy vai trò của VKIST là biểu tượng của quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chính phủ hai nước cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho VKIST phát triển hơn nữa, hướng tới mục tiêu lấy VKIST là hạt nhân lan tỏa; thúc đẩy dòng luân chuyển tri thức và công nghệ từ Hàn Quốc vào Việt Nam và ngược lại”, PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện VKIST chia sẻ.

Là một đơn vị đến sau trong cộng đồng khoa học và công nghệ, việc xác định rõ mục tiêu nghiên cứu qua từng giai đoạn và kiên trì với mục tiêu đã đặt ra chính là yếu tố tiên quyết, giúp VKIST có thể đi nhanh và đi xa hơn trong tương lai.

Từ khóa: Tin hoạt động VKIST

Bài liên quan