Đoàn KIST thăm và khảo sát dự án VKIST: Hỗ Trợ VKIST trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn

Thứ năm, 25/07/2024 | 09:00

Ngày 23/7/2024, đoàn công tác của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) đã có chuyến thăm và làm việc tại Viện VKIST. Chuyến thăm nhằm khảo sát, đánh giá các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) đang được triển khai tại VKIST, đồng thời thảo luận về kế hoạch hỗ trợ VKIST trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong thời gian tới.

VKIST sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn

Dẫn đầu đoàn KIST là ông Chang Joon Yoen, Phó Chủ tịch Viện KIST, cùng với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Trong chuyến thăm, đoàn KIST đã tham quan các phòng thí nghiệm hiện đại của VKIST, trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng môi trường. Các nhà khoa học hai bên đã có những buổi thảo luận chuyên sâu về các dự án đang triển khai, chia sẻ những kết quả nghiên cứu nổi bật cũng như những thách thức và cơ hội trong quá trình thực hiện.

Trong thời gian tới, thừa hưởng những kết quả đạt được của dự án VKIST giai đoạn 1, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Viện VKIST trong chuyến thăm và làm việc tại KIST mới đây, VKIST cần tập trung nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn. Các lĩnh vực được ưu tiên nghiên cứu gồm các chip mô phỏng não người có hiệu năng cao, mạng nơ ron nhân tạo dựa trên khoa học thần kinh, tính toán lượng tử quy mô lớn và kết nối bảo mật, các công nghệ linh kiện quang tử tốc độ cao.

"Theo Hiệp định của hai Chính phủ, VKIST đã xây dựng và vận hành, bắt đầu giải quyết được nhiều bài toán của doanh nghiệp ở Việt Nam. VKIST sẽ đóng vai cầu nối trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn giữa Việt Nam với các đối tác Hàn Quốc nói chung và với Viện KIST nói riêng", Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại chuyến thăm KIST.

"Công nghiệp vi mạch bán dẫn là một ngành công nghệ cao đem lại nhiều giá trị gia tăng và là nền tảng để hỗ trợ, đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Vấn đề xây dựng công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp vi mạch bán dẫn không dễ.

Để giải quyết vấn đề thiếu nguồn nhân lực, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ, từ Nhà nước đến nhà đầu tư, nhà trường, nhà sản xuất, đặc biệt điều quan trọng nhất phải có sự tham gia đối tác nước ngoài để tăng cường sự đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn. Và bước đầu tiên cần phải đào tạo thêm nhiều kỹ sư thiết kế chuyên nghiệp thay vì lao động lành nghề để định vị thế mạnh của quốc gia trong hệ sinh thái chuỗi giá trị bán dẫn.

Do đó, việc mở rộng chương trình đào tạo kỹ sư có năng lực chuyên môn cao là một trong những giải pháp vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài", Viện trưởng Vũ Đức Lợi chia sẻ tại buổi tiếp.

3

Đoàn KIST thăm và làm việc tại VKIST

Ông Chang Joon Yoen, Phó Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) cho biết, Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong 40 năm phát triển ngành bán dẫn, đồng thời hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI), đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới.

Viện KIST sẽ hỗ trợ Việt Nam thành lập phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn hiện đại

Một trong những sự kiện quan trọng trong chuyến thăm lần này là buổi tiếp giữa đoàn KIST và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ông Bùi Thế Duy. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không khí thân thiện và cởi mở, với nhiều nội dung quan trọng được thảo luận.

2

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ tại buổi tiếp

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đánh giá cao chuyến thăm và làm việc của Phó Chủ tịch Viện KIST. Thứ trưởng bày tỏ trân trọng sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ hai nước, đặc biệt là sau chuyến thăm Hàn Quốc đầu tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI, trong đó tập trung vào phát triển đội ngũ nhân lực kỹ sư thiết kế phần mềm, khâu đóng gói, kiểm nghiệm phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế.

Trao đổi với ông Chang Joon Yoen, Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam đang có nhu cầu phát triển ngành vi mạch bán dẫn và AI, tuy nhiên còn thiếu nguồn lực về cơ sở vật chất, nhân lực và trình độ để phát triển theo kịp các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, để thực hiện được các chiến lược phát triển ngành vi mạch bán dẫn và AI, việc thành lập phòng nghiên cứu vi mạch, bán dẫn là rất cần thiết.

Bày tỏ trước những ấn tượng tốt đẹp về sự phát triển của Việt Nam nói chung và của ngành KH&CN nói riêng, ông Chang Joon Yoen, Phó Chủ tịch Viện KIST cho biết, mục đích chuyến công tác của Viện KIST tại Việt Nam nhằm tìm hiểu về những kết quả, thách thức cũng như những ưu tiên, nhu cầu hợp tác của Việt Nam trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI.

2-1

Phó Chủ tịch Viện KIST, Chang Joon Yoen chia sẻ tại buổi tiếp

Phó Viện trưởng KIST cho rằng: thành lập phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn việc thành lập phòng nghiên cứu này là cần thiết và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác, tuy nhiên cần xác định cụ thể nguồn lực, chi phí, và thời gian thực hiện vì tính đặc thù của ngành, cần sự đầu tư lớn. Do đó cần phải có kế hoạch kỹ lưỡng, đi tắt, đón đầu tận dụng những kinh nghiệm và nguồn nhân lực của KIST.

Thứ trưởng đề nghị, Viện KIST hỗ trợ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) thành lập phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn hiện đại đặt tại Viện VKIST, trong đó bao gồm tư vấn về đào tạo, nguồn nhân lực, trang thiết bị cho phòng nghiên cứu vi mạch, bán dẫn…

Theo đó, hai Lãnh đạo hai đơn vị trao đổi và thống nhất sẽ triển khai một số hoạt động như sau:

- Chia Sẻ Công Nghệ và Kinh Nghiệm: Đoàn KIST đã trình bày những công nghệ tiên tiến và các thành tựu nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Những kinh nghiệm quý báu từ KIST sẽ giúp VKIST nhanh chóng nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường. Ông Chang Joon Yoen cũng đưa ra lưu ý, Việt Nam cần xác định rõ hướng phát triển của ngành vi mạch bán dẫn và AI để có những bước đi phù hợp, từ đó tạo ra nguồn tài nguyên tập trung và kết quả nhanh chóng cho lĩnh vực này.

- Đào Tạo Nhân Lực: Để đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng cho phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn trong Giai đoạn 2 của Dự án VKIST. KIST cam kết hỗ trợ VKIST trong việc đào tạo nhân lực chuyên sâu về vi mạch bán dẫn. Các chương trình đào tạo sẽ bao gồm các khóa học ngắn hạn và dài hạn, cũng như các chương trình thực tập và trao đổi nghiên cứu sinh giữa hai viện tại Viện nghiên cứu bán dẫn thế hệ mới với thời gian 02 năm và lấy học bổng từ trường KIST School. Ngoài ra, KIST cũng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ sinh học, năng lượng môi trường. Điều này sẽ giúp VKIST xây dựng được đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành.

- Hợp Tác Nghiên Cứu: Hai bên đã thảo luận về việc triển khai các dự án nghiên cứu chung, tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng ứng dụng cao như vi mạch bán dẫn. Sự hợp tác này không chỉ giúp VKIST tiếp cận được những công nghệ mới nhất mà còn tạo ra những sản phẩm công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Cũng tại buổi làm việc, hai bên trao đổi các thông tin liên quan đến vị trí Cố vấn thường trực của Viện VKIST; các nội dung dự kiến triển khai trong Dự án Bắc cầu VKIST và Giai đoạn 2 của Dự án VKIST

Chang Joon Yoen, Phó Chủ tịch Viện KIST khẳng định KIST sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ VKIST nhanh chóng tiếp cận và làm chủ các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cảm ơn Viện KIST về sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian vừa qua, đồng thời bày tỏ mong muốn hai bên có thể triển khai các công việc đã thống nhất trong thời gian sớm nhất.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan để tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án hợp tác giữa KIST và VKIST. Ông nhấn mạnh sự hỗ trợ từ KIST sẽ là động lực quan trọng để VKIST phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.

Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng, thông qua buổi làm việc sẽ mở ra những hướng hợp tác mới trong tương lai, tìm ra những phương thức hợp tác thiết thực, tiếp tục phát huy vai trò của Viện VKIST là biểu tượng của quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

1-1

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy tặng quà lưu niệm cho ông Chang Joon Yoen, Phó Chủ tịch Viện KIST

Từ khóa: Tin hoạt động VKIST

Bài liên quan