Đoàn công tác VKIST thăm và làm việc tại tỉnh Bến Tre

Thứ bảy, 18/06/2022 | 09:00

Ngày 16-17/06/2022, đoàn công tác VKIST do PGS.TS Vũ Đức Lợi – Phó Viện trưởng VKIST làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc với một số cơ quan ban, ngành của tỉnh Bến Tre về việc ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật nhằm khắc phục một số vấn đề nổi cộm của địa phương, trong đó có xử lý nước nhiễm mặn, nhiễm phèn.

Trong bối cảnh xu thế xâm nhập mặn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng được dự báo sẽ tăng cao do áp lực của biến đổi khí hậu, việc nghiên cứu tìm ra giải pháp cho tình trạng này trở nên bức thiết và nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền các cấp.

Trước tình hình đó, vào năm 2021 VKIST đã thực hiện Đề tài “Hỗ trợ lắp đặt và sử dụng hệ thống xử lý nước nhiễm mặn hiệu quả”, phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST). Vừa qua, đoàn công tác VKIST, gồm có Ông Vũ Đức Lợi – Phó Viện trưởng VKIST, Ông Kum Dongwha – Nguyên Viện trưởng VKIST, Ông Trần Anh Tuấn – Trưởng phòng Kế hoạch và Điều phối cùng các nghiên cứu viên và chuyên viên hành chính - hỗ trợ, đã có chuyến khảo sát thực địa tại một số vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng xâm nhập mặn; đồng thời kết hợp nghiệm thu, đánh giá kết quả hoạt động của hệ thống khử mặn cho nước được lắp đặt thí điểm trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Trên cơ sở đó, đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân một số huyện và đại diện của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bến Tre nhằm thảo luận kế hoạch nhân rộng mô hình thí điểm này, đóng góp vào nỗ lực chung để đẩy lùi nạn xâm nhập mặn tại địa phương; từ đó, đặt nền móng cho sự hợp tác của hai bên trong các lĩnh vực tiềm năng khác.

1

Toàn cảnh buổi làm việc giữa VKIST và Sở KH&CN Bến Tre

Tại buổi làm việc, Phó Viện trưởng Vũ Đức Lợi bày tỏ sự cảm kích sâu sắc đến Sở KH&CN Bến Tre nói riêng và địa phương nói chung vì sự tiếp đón nồng hậu. Trên cơ sở kết quả thăm thực địa và đánh giá tình hình hoạt động của hệ thống thí điểm khử nước mặn, ông bày tỏ sự lạc quan vào tương lai hợp tác của các bên, đặc biệt trong việc giải quyết bài toán xử lý xâm nhập mặn mà địa phương đã trăn trở suốt nhiều năm qua. Hệ thống khử nước mặn (Tên đầy đủ: Hệ thống lọc nước RO quy mô nhỏ) được lắp đặt tại trường Tiểu học Thạnh Hải (thuộc ấp Thạnh Hưng B, Huyện Thạnh Phú, Tỉnh Bến Tre) trong khuôn khổ một đề tài hợp tác nghiên cứu chung giữa VKIST và KIST. Phó Viện trưởng VKIST cũng khẳng định sự ưu việt của hệ thống này so với các sản phẩm lọc nước đại trà trên thị trường, đặc biệt trong việc xử lý triệt để tình trạng nước nhiễm mặn, nhiễm phèn trong phạm vi cục bộ với chi phí vận hành thấp, tiết kiệm điện năng nhờ tận dụng năng lượng mặt trời. Điều này đặc biệt phù hợp với đặc điểm thời tiết, khí hậu cũng như khả năng đầu tư tài chính còn hạn hẹp của địa phương. Vì vậy, VKIST mạnh dạn đề xuất kết hợp với các đơn vị liên quan và kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa của tỉnh để lắp đặt thêm 2 - 4 hệ thống tương tự tại các vùng khó khăn trong năm 2023.

Thêm vào đó, Tiến sĩ Kum Dongwha – Nguyên Viện trưởng VKIST, trong vai trò là người chắp bút cho dự án thí điểm về khử nước mặn tại Bến Tre, đã khẳng định tầm vĩ mô của công tác cung cấp nước sạch – vốn không chỉ là niềm bận tâm riêng của tỉnh Bến Tre mà còn là nỗi lo chung của các nước láng giềng cùng hưởng chung dòng chảy của sông Mê Kông như Lào và Campuchia. Chính vì vậy, việc giải quyết một vấn đề mang tính khu vực sẽ giúp nâng cao vị thế của không riêng địa phương mà còn là bộ mặt của cả dân tộc trên trường quốc tế.

Tiếp đón đoàn công tác tại Sở KH&CN Bến Tre, Ông Lâm Văn Tân – Giám đốc Sở và đại diện các phòng ban trực thuộc đã bày tỏ sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc đối với sự đồng hành của VKIST trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực KH&CN vốn chưa phải là thế mạnh của một địa phương còn nhiều khó khăn như Bến Tre. Trên cơ sở đó, ông đã nêu ra một số vấn đề nổi cộm của địa phương và mong muốn nhận được sự tham vấn của đoàn chuyên gia VKIST trong việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật nhằm tháo gỡ các vướng mắc này, bao gồm: xử lý khủng hoảng xâm nhập mặn và vấn đề cấp nước sạch cho trường học và khu dân cư; xây dựng bản đồ thổ nhưỡng; ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin vào xây dựng chính quyền số; phát huy hơn nữa các sản vật địa phương (VD: dừa Bến Tre); phát triển nuôi tôm công nghệ cao; xử lý vấn đề xả thải trong công nghiệp chế biến thực phẩm, nuôi trồng thủy hản sản và chăn nuôi heo.

Nắm bắt được tính cấp thiết của các vấn đề nêu trên, phía VKIST đề xuất ứng dụng công nghệ tích hợp đa ngành (gồm công nghệ thông tin, tự động hóa và cảm biến sinh học) vào các giải pháp kỹ thuật để giúp địa phương giải quyết những tồn tại, vướng mắc hiện hành; ví dụ như kết hợp cảm biến sinh học và tự động hóa hoặc ứng dụng IoT trong việc xây dựng cống thủy lợi để cảnh báo và ngăn chặn kịp thời tình trạng triều cường dẫn đến xâm nhập mặn.

Các chuyên gia VKIST cũng khẳng định tỉnh Bến Tre sở hữu nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên chưa tranh thủ được điều kiện thuận lợi này để bứt phá trở thành một trong những đầu tàu của cả nước. Việc áp dụng công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực vào vòng sản xuất tuần hoàn đến sản phẩm cuối cùng (nghĩa là tận dụng đầu ra của quy trình này làm nguyên liệu đầu vào của quy trình khác, nhằm giảm thiểu phát thải và tác động tiêu cực đến môi trường) sẽ giúp Bến Tre tạo ra chuỗi giá trị thặng dư bền vững, tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ cho toàn tỉnh.

5

4

6

7

VKIST cùng Sở KH&CN khảo sát hệ thống lọc nước nhiễm mặn quy mô nhỏ sử dụng năng lượng mặt trời tại tỉnh Bến Tre 

Buổi làm việc giữa VKIST và Sở KH&CN Bến Tre đã diễn ra tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong thời gian tới và kỳ vọng sẽ phát huy hơn nữa vai trò của VKIST như một đơn vị dẫn dắt sự phát triển của nền KH&CN Việt Nam trong tương lai.

Từ khóa: Tin hoạt động VKIST

Bài liên quan