Chuyển đổi số đang là xu thế mà mọi ngành nghề, lĩnh vực hoạt động ở Việt Nam, trong đó có hoạt động thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) đang hướng đến và triển khai thực hiện. Chuyển đổi số (thuật ngữ tiếng Anh là Digital Transformation) có thể đem đến những thay đổi to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng, tạo ra các mô hình kinh doanh mới, tác động mạnh mẽ đến mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực như: hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động xã hội, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Việt Nam đang nỗ lực triển khai thực hiện chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Viện VKIST có vai trò quan trọng trong hoạt động KH&CN. VKIST là viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), được thành lập trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. Dự án “Hợp tác xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc" tại Việt Nam do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ quản của dự án. Hiện nay, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, chuyển đổi số đang trở thành xu thế phát triển trong hoạt động xuất bản và phổ biến tạp chí khoa học trên thế giới. Chuyển đổi số đối với Viện VKIST không thể nằm ngoài xu thế đó.
Nhận thức về chuyển đổi số
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau [Bộ TT&TT, 2019].
Chuyển đổi số không phải là số hoá (digitization) hoặc số hoá hoạt động (digitalization) hay ứng dụng công nghệ số vào hoạt động. Số hoá (digitization) đề cập đến việc chuyển thông tin từ định dạng truyền thống/vật lý (định dạng tương tự – analog) sang dạng số (digital) nhưng không thay đổi cách thức và phương pháp quản lý và sử dụng các thông tin số. Số hóa hoạt động (digitalization) được hiểu là việc sử dụng công nghệ số (digital technologies) và dữ liệu số trong hoạt động.
Chuyển đổi số thực chất là hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) của một tổ chức, doanh nghiệp. Ví dụ, khi chúng ta thực hiện chuyển đổi số, ĐMST với công nghệ dệt hay công nghệ may thì cũng cần thực hiện các bước mua dây chuyền công nghệ, đổi mới quy trình công nghệ ở mức cao nhất của doanh nghiệp, cần thay đổi cả về quản lý, tổ chức, quy trình. Tất cả các bước khi chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST cũng tương tự như khi thực hiện chuyển đổi số, từ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu công nghệ mới và chuyển đổi từ cơ cấu tổ chức, cách thức làm việc, quy trình quản lý, tạo ra những phương thức mới, sản phẩm mới. “Nói một cách ngắn gọn, chuyển đổi số chính là hoạt động ĐMST sử dụng công nghệ số”
Có 3 cấp độ của chuyển đổi số gồm: số hóa (chuyển dữ liệu Analog sang dạng số); ứng dụng công nghệ số (Quá trình ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số để đơn giản hóa, tối ưu hóa, tăng hiệu quả của các hoạt động, chưa thay đổi thực sự mô hình kinh doanh, hoặc tạo ra doanh nghiệp mới); chuyển đổi số (Quy trình, cách thức hoạt động mới; sản phẩm, dịch vụ mới; mô hình kinh doanh mới; loại hình doanh nghiệp mới).
Ví dụ với chính phủ điện tử, ở cấp độ 1, văn bản ở dạng file doc/pdf, số hóa các số liệu thống kê, văn bản, tài liệu, sử dụng chữ ký số. Ở cấp độ 2 có trục liên thông văn bản, eCabinet, điều hành điện tử. Ở cấp độ 3, ví dụ, xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp giảm các cơ quan/tổ chức trung gian dựa trên AI, Robots. Các dịch vụ do Chính phủ cung cấp để giải quyết vấn đề an sinh của người dân được tùy biến theo nhu cầu.
Có thể nói, chuyển đổi số nội hàm cốt lõi là ứng dụng công nghệ số. Theo các chuyên gia, chuyển đổi số có các mức khác nhau, hiện tại ở Việt Nam chủ yếu là mức số hóa và ứng dụng công nghệ số (tin học hóa). Việc thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi số tương tự thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động ứng dụng công nghệ và ĐMST với các công nghệ số. Công nghệ cho chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau là khác nhau, ở mức mức chuyển đổi số toàn diện là các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0 (AI, IoT, Blockchain, điện toán đám mây, 5G, AR, in 3D, phân tích dữ liệu lớn; thực tại ảo tăng cường (AR), thực tại ảo hỗn hợp MR,…).
Chuyển đổi số có ý nghĩa rất quan trọng đối với lĩnh vực KH&CN bởi một số lý do:
– Tốc độ của sự thay đổi: Chuyển đổi số đang diễn ra ngày một phổ biến ở mọi lĩnh vực, do đó nếu không nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số thì hoạt động thông tin KH&CN truyền thống trở nên trì trệ, lạc hậu. Tính chất không biên giới của chuyển đổi số cũng khiến các tổ chức thông tin KH&CN Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ ngay tại Việt Nam bởi các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài vốn có tiềm lực rất mạnh cùng với kinh nghiệm nhiều năm về lĩnh vực thông tin KH&CN.
– Cạnh tranh số: với sự thâm nhập của công nghệ số, mô hình truyền thống trong xuất bản và cung cấp dịch vụ thông tin đang chịu nhiều áp lực ngày càng tăng của các doanh nghiệp khởi nghiệp số.
– Thay đổi kỳ vọng: Kỳ vọng của các nhà khoa học, người dùng tin về truy cập và sử dụng các tiện ích thông tin KH&CN mới dạng số ngày càng cao hơn, đòi hỏi phải chuyển đổi số để đáp ứng kỳ vọng đó.
– Thay đổi cách thức truy cập và trải nghiệm người dùng: Mọi người có thể truy cập thông tin/tri thức mọi lúc, mọi nơi. Sự thay đổi mang tính cách mạng này đòi hỏi các tổ chức thông tin phải thay đổi cách thức làm việc, vượt ra ngoài khuôn khổ của các bức tường vật lý để cung cấp các dịch vụ nhanh chóng, chất lượng tới khách hàng.
Chuyển đổi số thúc đẩy các tổ chức thông tin KH&CN áp dụng các công nghệ mới trong việc tạo ra và cung ứng các dịch vụ của mình. Việc áp dụng các ứng dụng mới này sẽ cho phép các tổ chức liên kết với nhau trên phạm vi quốc gia và quốc tế, cùng hướng tới các mục tiêu chung. Điều này cho phép các tổ chức thông tin cung cấp quyền truy cập vào các nguồn tin KH&CN tốt hơn và nhanh chóng hơn.
Chuyển đổi số chắc chắn sẽ tác động đến vai trò của các chuyên gia thông tin. Họ sẽ cần phải học các kỹ năng mới để có thể thực hiện các công nghệ mới trong quá trình nghiên cứu và tạo ra các dịch vụ thông tin sáng tạo. Những tiến bộ trong quản lý dữ liệu số sẽ giúp tìm kiếm chủ đề thông tin chính xác hơn, đồng thời cho phép các tổ chức thông tin quản lý và thể hiện các tài nguyên thông tin hiệu quả hơn. Tất cả những tiến bộ đó đều yêu cầu các chuyên gia thông tin phải nắm bắt và sử dụng thành thạo các công nghệ số liên quan.
* Tầm quan trọng của chuyển đổi số.
Chuyển đổi số đang ngày một thay đổi nhận thức của những nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của tổ chức. Bộ máy chính quyền của nhiều quốc gia sau khi nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo an ninh quốc gia, đã lập tức bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số.
Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Tận dụng các nền tảng công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện được nhiều lĩnh vực và hướng đến 5 mục đích cuối cùng của chuyển đổi số, đó là: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Trong khi đó đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Còn đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Qua những những lợi ích trên, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số ảnh hưởng đến các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp như thế nào. Việc chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp đổi mình và tiếp tục phát triển, nó còn góp phần vào quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước.
Có thể nói để chuyển đổi số thành công cần sự quyết tâm của toàn thể nhân dân, hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực, chủ động học hỏi, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ công nghệ thông tin, sẵn sàng tham gia và phục vụ thành công chuyển đổi số, là yếu tố đảm bảo sự thành công của công cuộc chuyển đổi.
Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) đang ngày càng phát huy tốt vai trò là hạt nhân kết nối hợp tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp trong hệ sinh thái ĐMST của hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, là biểu tượng thành công cho sự hợp giữa giữa 2 quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc.
Xác định chuyển đổi số là quá trình lâu dài, thời gian tới, Viện VKIST tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, hoạt động chuyển đổi số, triển khai mạnh mẽ hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Với quyết tâm thực hiện thành công chuyển đổi số, Viện VKIST luôn nâng cao nhận thức của công chức, cán bộ trong thực thi nghiệp vụ liên quan đến chuyển đổi số; tập huấn kỹ thuật sử dụng các phần mềm chuyên dụng về chuyển đổi số, sẵn sàng tham gia và phục vụ thành công chuyển đổi số trong thời gian tới.