Để tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tạo ra các hàng hóa mới có giá trị cao từ các sản phẩm phụ này, giải pháp kinh tế tuần hoàn được trình bày như một giải pháp hiệu quả và đầy hứa hẹn.
Phát triển bền vững trở nên cấp thiết đối với mọi lĩnh vực kinh tế, đồng thời, cũng là một chiến lược phát triển toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực môi trường và năng lượng. Trong khi cả các nước phát triển và đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam, đang phải đối mặt với thách thức xử lý lượng lớn chất thải và sản phẩm phụ từ nông nghiệp. Trong nông nghiệp, nền kinh tế tuần hoàn không chỉ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tạo ra các sản phẩm mới có giá trị cao. Hướng tới đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không cùng với việc tăng chuỗi giá trị của các sản phẩm.
Ngành nông nghiệp Việt Nam đóng góp 13,96% vào GDP (số liệu 2021). Hoạt động sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp đã tạo ra một lượng lớn chất thải và sản phẩm phụ (30 - 70%), bao gồm: rơm rạ và trấu từ sản xuất lúa; vỏ tôm và đầu tôm từ sản xuất tôm; đầu, da và xương cá tra từ sản xuất cá tra; vỏ, thân, hạt, lá từ sản xuất trái cây. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 5,69 tỷ USD; trong đó, sầu riêng là ngành có sức tăng trưởng ấn tượng nhất khi đem về 2,3 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu sầu riêng đã đem lại 2,7 tỷ USD. Trong khi sản lượng sầu riêng là 1,2 triệu tấn, tương đương với khoảng 0,8 triệu tấn vỏ sầu riêng thải ra môi trường (báo cáo năm 2024). Do đó, việc tái chế các phụ phẩm nông nghiệp này có tiềm năng rất lớn.
Để tận dụng tối đa tiềm năng và xử lý triệt để vấn đề môi trường liên quan đến vỏ quả sầu riêng, phòng Công nghệ năng lượng và môi trường, Viện VKIST đã tiến hành phân tách thành phần lignin nhằm ứng dụng trong các lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh học, chất kết dính trong xây dựng và các hợp chất hóa học có giá trị cao như vanillin và phenol. Phần bã thải tiếp tục được tận dụng sản xuất than hoạt tính chất lượng cao ứng dụng trong lĩnh vực lọc nước, lọc không khí,…
Nghiên cứu viên phòng Công nghệ năng lượng và môi trường đang nghiên cứu vỏ sầu riêng