Nghệ là cây được dùng rộng rãi làm thuốc và gia vị đã từ hàng nghìn năm tại các nước châu Á. Trong đó, curcumin là hoạt chất của thân rễ nghệ vàng, được dùng rất nhiều trong thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Nhu cầu curcumin của thế giới hàng nghìn tấn mỗi năm, ước tính thị trường curcumin đạt khoảng hơn 73 triệu USD trên toàn thế giới năm 2021 (nguồn: https://www.fortunebusinessinsights.com/industry-reports/curcumin-market-101453) và tăng thêm hơn 8% mỗi năm. Việt Nam trồng rất nhiều nghệ với năng suất mỗi năm đến hàng triệu tấn, tập trung nhiều ở Hưng Yên và Tây Nguyên. Mỗi năm nước ta xuất khẩu hàng chục nghìn tấn dược liệu nghệ (nguyên liệu khô) ra nước ngoài; nhưng lại nhập khẩu một lượng lớn curcumin (tinh khiết) về làm nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Nguyên nhân dẫn đến thực tế trên là do các công ty sản xuất curcuminoid (tinh khiết) trong nước có quy trình chiết xuất cho hiệu suất thu hồi curcuminoid từ nghệ khoảng 50-55% nên giá thành curcuminoid sản xuất trong nước cao. Một lý do quan trọng nữa là trên thị trường thế giới đã có curcumin thu được từ tổng hợp hóa học với giá thành rẻ hơn rất nhiều, thường bằng khoảng một nửa, so với giá curcuminoid từ tự nhiên (chiết xuất từ nghệ). Trên thị trường cũng có nhiều mẫutrộn lẫn giữa curcuminoid tự nhiên và curcumin tổng hợp để thu được nhiều lợi nhuận hơn. Việt Nam chỉ sản xuất curcuminoid nguồn gốc từ tự nhiên, tức từ nghệ. Do vậy, việc phân biệt được curcuminoid tự nhiên và curcumin tổng hợp góp phần quan trọng cho việc bảo vệ giá thành của curcuminoid sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Từ thực tế trên, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc đã thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Bộ với hai mục tiêu sau:
- Xây dựng được quy trình chiết xuất và tinh chế sản phẩm curcuminoid ở quy mô pilot (50kg/mẻ) có hiệu suất ≥ 65% và sản phẩm curcuminoid có độ tinh khiết ≥ 93%.
- Xây dựng được phương pháp phân tích nhằm phân biệt sản phẩm curcuminoid tự nhiên và tổng hợp (phù hợp với điều kiện của trong nước).
Tại buổi nghiệm thu, TS. Vũ Văn Hà thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày kết quả thực hiện của nhiệm vụ. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, thu được đủ chủng loại sản phẩm bao gồm: 01 Quy trình công nghệ chiết xuất và tinh chế curcuminoid từ nghệ ở quy mô pilot (50kg/mẻ) có hiệu suất 65-67% và sản phẩm curcuminoid thu được có hàm lượng 94,7%; 01 Quy trình phân tích phân biệt curcuminoid nguồn gốc tự nhiên với curcumin tổng hợp bằng kết hợp phương pháp phân tích HPLC và phân tích đồng vị cacbon 14C. Quy trình phân biệt curcuminoid tự nhiên và tổng hợp cho phép xác định được curcumin có nguồn gốc tổng hợp, kể cả mẫu được trộn lẫn với curcuminoid tự nhiên. Đây là đóng góp mới của nhóm nghiên cứu và có thể ứng dụng trong kiểm nghiệm các mẫu curcumin trên thị trường.
Phát biểu kết luận trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng về kết quả thực hiện nhiệm vụ, GS.TS. Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao sự cố gắng của Nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra; Hội đồng thống nhất đây là công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện rất nghiêm túc, đã hoàn thành rất tốt được hai mục tiêu nêu ra. Các kết quả, sản phẩm của đề tài có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại các đơn vị, công ty trong nước để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm curcuminoid của Việt Nam và của các doanh nghiệp Việt Nam.