Cây rau má (Centella asiatica (L.) Urb.): Cây dược liệu giá trị và sẵn có của Việt Nam

Thứ hai, 03/06/2024 | 15:00

Trong y học cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á, rau má được sử dụng để điều trị các bệnh ngoài da, thấp khớp, viêm, giang mai, bệnh tâm thần và tiêu chảy

Cây rau má (Centella asiatica (L.) Urb.): Cây dược liệu giá trị và sẵn có của Việt Nam

Cây rau má (Centella asiatica (L.) Urb.): Cây dược liệu giá trị và sẵn có của Việt Nam

Cây rau má có tên khoa học là Centella asiatica (L.) Urb., thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Cây được phân bố rộng khắp ở Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Châu Đại Dương và Châu Phi. Ở Việt Nam, rau má được phân bố khắp nơi từ vùng hải đảo, ven biển, vùng núi cao. Cây ưa ẩm, hơi chịu bóng; thường mọc thành đám ở vườn, bãi sông suối, nương rẫy, bờ ruộng và ven rừng [1], [2]. Ở nước ta, rau má là loại cây rất quen thuộc được người dân sử dụng làm rau để ăn hoặc xay lấy nước uống giúp thanh nhiệt, giải độc [1], [2].

Hình 1. Cây rau má Centella asiatica (L.) Urb. [34]

Trong y học cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á, rau má được sử dụng để điều trị các bệnh ngoài da, thấp khớp, viêm, giang mai, bệnh tâm thần và tiêu chảy [3]. Ở Ấn Độ, loài C. asiatica được người dân sử dụng giúp tăng cường trí nhớ và điều trị các bệnh như đau nhức cơ thể, đau đầu, hen suyễn, bệnh phong, viêm loét, chàm [3], [4]. Ở Trung Quốc, rau má được biết đến với tên gọi “Gotu kola” và được liệt kê là một vị thuốc trong sách “Thần dược của cuộc sống” [3].

Hình 2. Một số sản phẩm thương mại làm từ rau má

Thành phần hóa học

Cho đến nay, đã có nhiều ông trình nghiên cứu về thành phần hóa học của cây rau má được công bố. Các nhóm hợp chất đã được tìm thấy trong cây rau má bao gồm saponin triterpenoid, alcaloid, flavonoid, tinh dầu và acid béo [1], [5], [6].

Bảng 1:  Danh sách các hợp chất đã được tìn thấy trong cây rau má

STT

Tên chất

TLTK

 

STT

Tên chất

TLTK

1

alpha-Humulene  

[23]

30

1,3-Dicaffeoylquinic acid

[30]

2

Arjunolic acid

[35]

31

1,5-Dicaffeoylquinic acid

[30]

3

Asiatic acid

[25,26]

32

3,4-Dicaffeoylquinic acid (Isochlorogenic acid B)

[30]

4

Asiaticoside

[25]

33

3,5-Dicaffeoylquinic acid (Isochlorogenic acid A)

[30]

5

Asiaticoside B

[25]

34

4,5-Dicaffeoylquinic acid (Isochlorogenic acid C)

[30]

6

Asiaticoside C

[27]

35

Epicatechin

[29]

7

Asiaticoside D

[35]

36

3-Epimaslinic acid

[26,31]

8

Asiaticoside E

[35]

37

Eugenol acetate

[25]

9

Asiaticoside F

[35]

38

Germacrene B

[23]

10

Asiaticoside G

[35]

39

Kaempferol

[32]

11

β-Caryophyllene

[23]

40

Madecassic acid, brahmic acid

[25]

12

Bicyclogermacrene

[23]

41

Madecassoside

[25]

13

Brahminoside B

[27]

42

Methyleugenol

[25]

14

Campesterol

[26]

43

Myrcene

[23,25]

15

Castillicetin

[28]

44

Myricetin

[28]

16

Castilliferol

[28]

45

Naringin

[33]

17

Catechin

[29]

46

Neochlorogenic acid (5-O-Dicaffeoylquinic acid)

[30]

18

Centellasapogenol A

[35]

47

Patuletin

[28]

19

Centellasaponin A

[35]

48

Pomolic Acid

[31]

20

Centellasaponin B

[35]

49

Quadranoside IV

[35]

21

Centellasaponin C

[35]

50

Quercetin

[33]

22

Centellasaponin D

[35]

51

Rutin

[33]

23

Centelloside E

[35]

52

Scheffuroside B

[35]

24

Centelloside D

[35]

53

Scheffuroside F

[35]

25

Chavicol

[25]

54

Sitosterol

[31]

26

Chebuloside II

[35]

55

Stigmasterol

[28]

27

Chlorogenic acid (3-O-Caffeoylquinic acid)

[30]

56

Terminolic acid

[25]

28

Corosolic acid

[31]

57

Ursolic acid

[31]

29

Cryptochlorogenic Acid, (4-O-Caffeoylquinic acid)

[30]

 

 

 

Saponin triterpenoid là thành phần chính và quan trọng nhất có trong rau má. Về cấu trúc, các saponin trong rau má có thể được chia thành 02 nhóm chính là cấu trúc khung ursan và khung olean. Hai saponin chính và quan trọng khung ursan có trong rau má là asiaticoside và madecassoside, trong khi asiaticoside B là saponin chính khung olean [5].

Hình 3. Các saponin chính và quan trọng có trong rau má

Bên cạnh nhóm saponin triterpenoid thì flavonoid cũng được tìm thấy nhiều trong thành phần hóa học của cây rau má như quercetin, kaempferol, quercitrin, isoquercitrin, astragalin [6]. Một số nghiên cứu khác cho thấy một số mẫu rau má có chứa α-humulene, β- caryophyllene và bicyclogermacrene caryophyllene và farnesol là các thành phần chính [7, 8].

Tác dụng sinh học

- Tác dụng lên da và làm lành vết thương

Nhóm hợp chất có hoạt tính sinh học nổi bật nhất trong rau má là nhóm saponin. Cao chiết toàn phần, phân đoạn triterpenoid và hợp chất asiaticoside từ rau má đã được báo cáo có tác dụng tăng quá trình tổng hợp, kích thích tạo collagen và các tế bào để đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương [9], [10]. Asiaticoside cũng đã được chứng minh giúp tế bào da chống oxy hóa, phát triển mô liên kết giúp cho vết mổ, vết loét mau lành [10]. Nghiên cứu của Azis HA và cộng sự cho thấy bôi cao phân đoạn giàu asiaticoside 20 mg × 2 lần/ngày có khả năng làm lành vết thương trên thỏ [11].

- Tác dụng làm lành vết loét dạ dày

Dịch chiết rau má và hợp chất asiaticoside có tác dụng ngăn chặn viêm loét dạ dày trên chuột gây ra bởi tác nhân acid acetic [12]. Bên cạnh đó, rau má cũng đã được báo cáo có tác dụng tốt trong việc ngăn chặn tác hại của ethanol lên niêm mạc dạ dày thông qua tăng cường hàng rào niêm mạc và giảm tác động gây hại của gốc tự do [13]. Guo JS và nhóm nghiên cứu cũng đã chứng minh cao chiết nước của rau má và hoạt chất asiaticoside có tác dụng ức chế sự sản xuất NO và do đó tạo điều kiện cho vết loét dạ dày nhanh lành [14]. Thử nghiệm lâm sàng trên người cho thấy, 93% số bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng được điều trị với chế phẩm rau má cho thấy hiệu quả, các chỉ số sinh hóa đều tốt lên rõ rệt [15].

- Tác dụng điều hòa miễn dịch, chống ung thư

Các nghiên cứu đã báo cáo cho thấy, cao chiết rau má và các saponin trong thành phần có tác dụng điều hòa miễn dịch [16], [17]. Cao chiết và các phân đoạn từ rau má có khả năng làm giảm sự phát triển của các khối u thông qua tác động trực tiếp lên quá trình tổng hợp DNA [18], giảm sự sản xuất yếu tố hoại tử khối u (TNF-α) và NO [19]. Nghiên cứu của Bunpo P và cộng sự chỉ ra rằng cao chiết nước rau má có tác dụng giảm quá trình tăng sinh ung thư ruột kết [20].

- Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương

Các kết quả nghiên cứu của Rao SB và cộng sự cho thấy cho chuột uống cao chiết rau má ở mức liều 200 mg/kg trong 15 ngàycó tác dụng trong việc sản sinh các tế bào thần kinh giúp an thần và tăng khả năng ghi nhớ [21]. Các dẫn xuất của hợp chất asiaticoside từ rau má đã được chứng minh có khả năng bảo vệ thần kinh, chống lại độc tố β-amyloid gây hại đối với nơron thần kinh [22].

Triển vọng của dược liệu rau má tại Việt Nam

Việt Nam có khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây rau má. Cây rau má chịu được hạn, trồng được trên nhiều vùng đất khác nhau, việc chăm sóc thu hái dễ dàng và có thể phát triển được vùng nguyên liệu. Ở Việt Nam, vùng trồng rau má phân bố trải dài từ Bắc vào Nam với diện tích lớn, đặc biệt ở Thừa Thiên Huế và các tỉnh duyên hải miền Trung, nơi khí hậu có độ ẩm cao, có loại đất sét pha cát. Hiện nay trên thị trường, dược liệu rau má được các công ty Dược mỹ phẩm cả trong và ngoài nước sử dụng rất rộng rãi để làm thuốc, thực phẩm chức năng điều trị làm lành sẹo, uống giúp thanh nhiệt, giải độc.

Trong bài báo này chúng tôi đã tổng hợp các kết quả công bố cập nhật về thành phần hóa học và các tác dụng sinh học chủ yếu của rau má. Các kết quả nghiên cứu tác dụng sinh học của cây rau má và các thành phần hóa học của nó cũng cho thấy dược liệu rau má có khả năng phát triển thành nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của con người, trong y học cổ truyền, trong y học hiện đại mà còn có thể ứng dụng trong cả thực phẩm và mỹ phẩm, do đó có thể có tác động lớn đến các vấn đề về y tế, kinh tế.

Để phát triển huy hết giá trị kinh tế và giá trị y học nguồn dược liệu này, cần thiết phải có thêm nhiều các nghiên cứu khoa học, trong đó tập trung vào nâng cao chất lượng rau má. Các nghiên cứu cần thiết khác bào gồm bào chế các dạng sản phẩm khác nhau từ ra má như dược phẩm, thực phẩm, và mỹ phẩm. Hy vọng rằng cây rau má sẽ được phát triển toàn diện về mọi mặt để có đóng góp lớn cho sự nghiệp y tế, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và dân tộc Việt Nam.

Kết luận

Cây rau má (Centella asiatica (L.) Urb.), họ hoa tan là một loài cây rất phổ biến ở Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ cây rau má là rất lớn. Các hợp chất saponin triterpenoid chiết xuất từ cây rau má đã được chứng minh có khả năng tăng cường tổng hợp collagen và fibronectin, làm tái sinh mô, điều hoà sự tăng sinh của tế bào sợi giúp vết thương nhanh lành, nhanh liền sẹo.  Các nghiên cứu về tác dụng sinh học của cao chiết rau má và các thành phần hóa học của nó đã giải thích được cơ sở khoa học theo y dược học dân gian, cổ truyền về các công dụng của dược liệu rau má mà còn định hướng phát triển thành các dạng bào chế mới cho điều trị bệnh trong y học hiện đại. Gần đây dược liệu rau má ngày càng thu hút nhiều nghiên cứu với thông tin khoa học mới được công bố về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của nó. Các công bố về thành phần hóa học và tác dụng dược lý cập nhật cho đã thấy được giá trị to lớn của của cây dược liệu rau má trong y học trên thế giới.

 Bên cạnh các nghiên cứu cơ bản về hóa thực vật, tác dụng dược lý, các dạng sản phẩm bào chế thì việc nghiên cứu phát triển nguồn dược liệu rau má, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho nguyên liệu rau má, cao giàu saponin, sản xuất các thành phần tinh khiết là cần thiết rất quan trọng để cung cấp đủ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập II, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 582-586.

2. Đỗ Tất Lợi (1999), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, 631-632.

3. Jiangsu new medical college (1977), Dictionary of Chinese materia medica, Shanghai Scientific and Technical Publishing House, p. 1874.

4. Jamil SS, Nizami Q, Salam M (2007), Centella asiatica (Linn.) Urban: a review, Indian Journal of Natural Products and Resources, 6(2), 158-170.

5. Chong NJ, Aziz Z (2011), A systematic review on the chemical constituents of Centella asiatica, Research Journal of Pharmaceutical, Biological and Chemical Sciences, 2(3), 445- 459.

6. Barnes J, Anderson LA, Phillipson JD (2007), Herbal medicines third edition, 371-373.

7. Quin DR, Zhang WD (1998), Essential oil from Centella asiatica and its antidepressant activity, Dier Jun Yi, Da Xue Bao, 19(2), 186-187.

8. Oyedeji OA, Afolayan AJ (2008), Chemical composition and antibacterial activity of the essential oil of Centella asiatica growing in South Africa, Pharmaceutical Biology, 43(3), 249-253.

9. Lee JH, Kim HL, Lee MH, You KE, Kwon BJ, Seo HJ, Park JC (2012), Asiaticoside enhances normal human skin cell migration, attachment and growth in vitro wound healing model, Phytomedicine, 19(13), 1223-1227.

10. Shukla A, Rasik AM, Jain GK, Shankar R, Kulshrestha DK, Dhawan BN (1999), In vitro and in vivo wound healing activity of asiaticoside isolated from Centella asiatica, Journal of Ethnopharmacology, 65(1), 1-11.

11.Azis HA, Taher M, Ahmed AS, Sulaiman W, Susanti D, Chowdhury SR, Zakaria ZA (2017), In vitro and In vivo wound healing studies of methanolic fraction of Centella asiatica extract South African Journal of Botany, 108, 163-174.

12. Cheng CL, Guo JS, Luk J, Koo M (2004), The healing effects of Centella extract and asiaticoside on acetic acid induced gastric ulcers in rats, Life Sciences, 74(18), 2237-2249.

13. Cheng CL, Cheng C, Koo M (2001), Effects of Centella asiatica on ethanol induced gastric mucosal lesions in rats, Life Sciences, 67(21), 2647-2653.

14. Guo JS, Cheng CL, Koo M (2004), Inhibitory effects of Centella asiatica water extract and asiaticoside on inducible nitric oxide synthase during gastric ulcer healing in rats, Planta Medica, 70(12), 1150-1154.

15. Chatterjee T, Chakraborty A, Pathak M, Sengupta G (1992), Effects of plant extract Centella asiatica (Linn.) on cold restraint stress ulcer in rats, Indian Journal of Experimental Biology, 30(10), 889-891.

16. Punturee K, Wild CP, Kasinrerk W, Vinitketkumnuen U (2005), Immunomodulatory activities of Centella asiatica and Rhinacanthus nasutus extracts, Asian Pacific Journal of Cancer Prevention, 6(3), 396-400.

17. Wang XS, Dong Q, Zuo JP, Fang JN (2003), Structure and potential immunological activity of a pectin from Centella asiatica (L.) Urban, Carbohydrate Research, 338(22), 2393-2402

18. Babu TD, Kuttan G, Padikkala J (1995), Cytotoxic and anti-tumour properties of certain taxa of Umbelliferae with special reference to Centella asiatica (L.) Urban, Journal of Ethnopharmacology, 48(1), 53-57.

19. Punturee K, Wild C, Vinitketkumneun U (2004), Thai medicinal plants modulate nitric oxide and tumor necrosis factor-α in J774.2 mouse macrophages, Journal of Ethnopharmacology, 95(2–3), 183-189.

20. Bunpo P, Kataoka K, H Arimochi, H Nakayama, T Kuwahara, Y Bando, K Izumi, U Vinitketkumnuen, Y Ohnishi (2004), Inhibitory effects of Centella asiatica on azoxymethane-induced aberrant crypt focus formation and carcinogenesis in the intestines of F344 rats, Food and Chemical Toxicology, 42(12), 1987-1997.

21. Rao SB, Chetana M, Devi PU (2005), Centella asiatica treatment during postnatal period enhances learning and memory in mice, Physiology & Behavior, 86(4), 449-457.

22. Inhee MJ, Shin JE, Yun SH, Huh K, Koh JY, Park HK, Jew SS, Jung ME (1999), Protective effects of asiaticoside derivatives against beta-amyloid neurotoxicity, Journal of Neuroscience Research, 58(3), 417-425.

23. Oyedeji, O.A; Afolayan, A.J. (2005) Chemical Composition and Antibacterial Activity of the Essential Oil of Centella asiatica. Growing in South Africa, Pharmaceutical Biology, 43:3, 249-252,

24. Gray, Nora E., et al. "Centella asiatica: Phytochemistry and mechanisms of neuroprotection and cognitive enhancement." Phytochemistry Reviews 17.1 (2018): 161-194.

25. Brinkhaus, B., et al. "Chemical, pharmacological and clinical profile of the East Asian medical plant Centella aslatica." Phytomedicine 7.5 (2000): 427-448

26. Jamil, S. Shakir, Qudsia Nizami, and Mehboobus Salam. "Centella asiatica (Linn.) Urban—a review." (2007).

27. James, Jacinda T., and Ian A. Dubery. "Pentacyclic triterpenoids from the medicinal herb, Centella asiatica (L.) Urban." Molecules 14.10 (2009): 3922-3941.

28. Chandrika, Udumalagala Gamage, and Peramune AAS Prasad Kumara. "Gotu kola (Centella asiatica): nutritional properties and plausible health benefits." Advances in food and nutrition research. Vol. 76. Academic Press, 2015. 125-157.

29. Mustafa, R. A., et al. "Total phenolic compounds, flavonoids, and radical scavenging activity of 21 selected tropical plants." Journal of food science 75.1 (2010): C28-C35.

30. Long HS, Stander MA, Van Wyk BE (2012) Notes on the occurrence and significance of triterpenoids (asiaticoside and related compounds) and caffeoylquinic acids in Centella species. South Afr J Bot82:53–59

31. Yoshida M, Fuchigami M, Nagao T, Okabe H, Matsunaga K, Takata J, Karube Y, Tsuchihashi R, Kinjo J, Mihashi K, Fujioka T (2005) Antiproliferative constituents from Umbelliferae plants VII. Active triterpenes and rosmarinic acid from Centella asiatica. Biol Pharm Bull28:173–175.

32. Devkota, Anjana, et al. "Centella asiatica (L.) urban from Nepal: quali-quantitative analysis of samples from several sites, and selection of high terpene containing populations for cultivation." Biochemical Systematics and Ecology 38.1 (2010): 12-22.

33. Sangwan RS, Tripathi S, Singh J, Narnoliya LK, Sangwan NS (2013) De novo sequencing and assembly of Centella asiatica leaf transcriptome for mapping of structural, functional and regulatory genes with special reference to secondary metabolism. Gene 525:58–76

34. Kandasamy, A.; Aruchamy, K.; Rangasamy, P.; Varadhaiyan, D.; Gowri, C.; Oh, T.H.; Ramasundaram, S.; Athinarayanan, B. Phytochemical Analysis and Antioxidant Activity of Centella Asiatica Extracts: An Experimental and Theoretical Investigation of Flavonoids. Plants 2023, 12, 3547.

35. Azerad, R. Chemical structures, production and enzymatic transformations of sapogenins and saponins from Centella asiatica (L.) Urban, Fitoterapia, Volume 114, 2016, Pages 168-187, ISSN 0367-326X,