Bồ công anh (Lactuca indica L.): Loài cây mọc dại và dược liệu tiềm năng của Việt Nam

Thứ sáu, 20/12/2024 | 16:00

Bồ công anh, hay còn có tên gọi khác như diếp hoang, diếp dại, diếp trời, rau bồ cóc, mót mét, mũi mác hay rau lưỡi cày, có tên khoa học là Lactuca indica L., họ Cúc Asteraceae. Đây là một vị thuốc Nam, kinh nghiệm dùng trong dân gian với công dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan, giảm viêm nhiễm, mụn nhọt, đau dạ dày.

Bồ công anh (Lactuca indica L.): Loài cây mọc dại và dược liệu tiềm năng của Việt Nam

Bồ công anh (Lactuca indica L.): Loài cây mọc dại và dược liệu tiềm năng của Việt Nam

(Nguồn ảnh: Phạm Dung, VKIST)

Đặc điểm thực vật

Bồ công anh là một loài cây thân thảo, sống 1 năm hoặc 2 năm, phân bố ở hầu hết các tỉnh từ miền núi đến đồng bằng ở Việt Nam, ở độ cao không quá 1500 m. Thân bồ công anh nhẵn, thẳng, cao 0,5 - 1 m, có khi đến 2 m, ít phân cành. Đoạn thân dài 3 cm đến 5 cm, tròn, thẳng, lõi xốp, đường kính khoảng 0,2 cm, mặt ngoài màu nâu nhạt, lốm đốm, có mấu mang lá hoặc vết tích của cuống lá.

Lá mọc so le, gần như không cuống, rất đa dạng. Những lá ở dưới thuôn dài, xẻ thùy không đều, hẹp và sâu, thùy lớn và thùy nhỏ xen kẽ nhau, mép có răng cưa, gốc tù, đầu nhọn; các lá ở giữa và ở trên ngắn và hẹp hơn, có ít răng hoặc hoàn toàn nguyên. Mặt trên lá màu nâu sẫm, mặt dưới màu nâu nhạt. Gân giữa to và nổi nhiều nhiều. Vị hơi đắng. Thân và lá khi bấm có nhựa màu trắng chảy ra.

Cụm hoa là một đầu, tụ họp thành chùy dài 20 - 40 cm, mọc ở ngọc thân và kẽ lá, phân nhánh nhiều, mỗi nhánh mang 2 – 5 đầu; tổng bao hình trụ, mỗi đầu có 8 – 10 hoa màu vàng hoặc vàng nhạt; tràng hoa có lưỡi dài, ống mảnh; nhị 5, bao phấn có đỉnh rất tròn, tai hình dùi; vòi nhụy có gai. Quả bế, màu đen, có màu lông trắng nhạt, 2 cạnh có cánh, 2 cạnh khác giảm thành một đường lồi. [1,2].

Thành phần hóa học của bồ công anh

Các nghiên cứu về thành phần hóa học loài bồ công anh cho thấy thành phần chính trong cây là các sesquiterpene lactone, triterpene, flavonoid; ngoài ra còn có các lignan, phenolic, megastigmane…

Các hợp chất cụ thể đã được phân lập từ cây bồ công anh như sau:

Hợp chất được phân lập

Tác giả công bố

Năm công bố

Tài liệu tham khảo

5 hợp chất sesquiterpen, trong đó có 3 dimer lactucain A-C (1-3)

2 monomer 11β,13- dihydrolactucin (4), cichoriosides B (5)

1 lignan: lactucaside (8)

6 hợp chất flavonoid: quercetin (10), quercetin 3-O-β-D-glucopyranoside (11), rutin (12), apigenin (14), luteolin (15), luteolin 7-O-β- D-glucuronide (16)

Hou và cộng sự

2002

[3, 4, 5, 6]

7 dẫn suất của acid quinic (27-33)

Các flavonoid: quercetin 5-O-β-D-glucopyranoside (13), 5,2’-dihydroxy-7-O-β-D glucuronylflavone (17)

Kim và cộng sự

2007

[5, 6]

5,6-epoxy- 3-hydroxy-7-megastigmen-9-one (6), (6S,9S)-roseoside (7), 3-(β-D glucopyranosyloxymethyl)- 2-(4-hydroxy-3-methoxyphenyl)-5-(3-hydroxypropyl)-7- methoxy-dihydrobenzofuran (9), 3β-hydroxyglutin-5-ene (26), (+)-taraxafolin-B (41), 2-phenylethyl β-D-glucopyranoside (42), benzyl-β-D-glucopyranoside (43), 1- hydroxylinaloyl-6-O-β-D-glucopyranoside (44), 2-(3'-O-β-D-glucopyranosyl-4'- hydroxyphenyl)-ethanol (45), trans-phytol (46)

2008

[4, 6]

di-E-caffeoyl-meso-tartaric acid (40)

2010

[7]

8 hợp chất triterpenoid: lactucenyl acetate (18), lup-19(21)-en-3β-yl acetate (19), β-amyrin acetate (20), germanicyl acetate (21), taraxasteryl acetate (22), α-amyrin acetate (23), bauerenyl acetate (24), lupenyl acetate (25)

Shinozaki và cộng sự

2011

[8]

Một số phenolic: protocatechuic acid (34), methyl p-hydroxybenzoate (35), p-hydroxymethyl benzoic acid (36), trans cinnamic acid (37), p-coumaric acid (38), caffeic acid (39)

Wang và cộng sự

2003

[5, 9]

Choi và cộng sự

2016

Tác dụng sinh học của bồ công anh và các hợp chất phân lập từ bồ công anh

- Tác dụng hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị tiểu đường

Trên mô hình chuột tiểu đường gây bởi streptozotocin (STZ), 13 hợp chất phân lập từ bồ công anh được thử tác dụng chống tiểu đường, trong đó lactucaside và lactucain-C thể hiện hoạt tính hạ đường huyết mạnh nhất với liều 1 mM/kg [3].

Cao chiết ethanol 45% từ lá bồ công anh thể hiện tác dụng ức chế α-glucosidase trên in vitro, ngăn ngừa tăng đường huyết với IC50 = 549,52 µg/mL (tương đương với acarbose) và tác dụng điều hòa glucose máu, tăng khả năng dung nạp glucose điển hình trong thử nghiệm dung nạp glucose (giảm 17,2 - 22,5%) ở các liều tương đương với 2,5 g dược liệu/kg [10].

- Tác dụng chống ung thư

Các thử nghiệm trên tế bào ung thư bạch cầu HL-60 ở người cho thấy dịch chiết bồ công anh có tác dụng quét gốc tự do đáng kể, bảo vệ hiệu quả chuỗi xoắn DNA chống lại sự phân tách sợi và stress oxy hóa [9], làm suy giảm chức năng ty thể và thể hiện tác dụng chống ung thư phụ thuộc chu kì tế bào với IC50 = 313 µg/mL [11].

Hợp chất luteolin được phân lập từ bồ công anh thể hiện tác dụng gây độc tế bào ung thư biểu mô (KB) ở mức khá với giá trị IC50 = 27,5 µg/mL, chống oxi hóa trên hệ DPPH ở mức trung bình với IC50 = 57,41 µg/mL [9].

Cao chiết n-hexan và cao chiết dichloromethan từ rễ bồ công anh có khả năng gây độc dòng tế bào ung thư cổ tử cung HeLa với IC50 lần lượt là 71,6 và 65,2 (μg/mL) và tế bào ung thư phổi người A549 với IC50 lần lượt là 93,7 và 98,1 (μg/mL) [12].

- Tác dụng bảo vệ tế bào gan

Trong thử nghiệm trên mô hình tế bào gan HepG2.2.15 được truyền virus viêm gan B, các hợp chất 3,4-di-O-caffeoyl quinic acid, 3,5-di-O-caffeoyl-muco-quinic acid, 5-O-(E)-p-coumaroyl quinic acid, di-E-caffeoyl-meso-tartaric acid phân lập từ dịch chiết methanol của bồ công anh có hiệu quả làm giảm số lượng ADN virus trong quá trình giải phóng các hạt virus trưởng thành từ tế bào nuôi cấy [6, 7], gợi ý rằng dược liệu này có tiềm năng bảo vệ tế bào gan thông qua kháng virus viêm gan B.

- Tác dụng tăng sức khỏe đường tiết niệu, hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu

Mặc dù tác dụng kháng E. coli không rõ ràng, bồ công anh có khả năng làm giảm đáng kể sự xâm nhập của vi khuẩn vào các tế bào biểu mô bàng quang, cho thấy ngoài tác dụng lợi tiểu, bồ công anh có khả năng tác động trực tiếp lên các tế bào biểu mô, bảo vệ chống lại nhiễm trùng E. coli, cung cấp giải pháp thay thế trong điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu [13].

- Tác dụng chống oxy hóa, chống viêm

Trên mô hình ức chế sản sinh nitric oxide trong tế bào RAW264.7, dịch chiết bồ công anh có tác dụng ức chế hoàn toàn sự tạo thành gốc NO ở nồng độ 100 µg/ml [9]. Một nghiên cứu khác cho thấy trong một số hợp chất phân lập được, luteolin-7-O-β-D-glucoside là chất duy nhất đồng thời có hoạt tính ức chế sản sinh NO với IC50 = 13,86 ± 1,10 µM và có khả năng bắt gốc DPPH với IC50 = 26,93 ± 0,10 µM [14].

Dịch chiết lá bồ công anh thể hiện khả năng dọn gốc ABTS mạnh, lên đến 92,3% ở nồng độ 5 mg/ml; với hàm lượng vitamin C và polyphenol tổng tìm được cao hơn so với rễ, lá bồ công anh thể hiện tác dụng chống oxy hóa, chống viêm mạnh và tiềm năng hơn rễ bồ công anh [15].

Ngoài ra, cao chiết bồ công anh còn thể hiện tác dụng ức chế mạnh trên vi khuẩn tụ cầu vàng và khả năng ức chế peroxy hóa lipid điển hình trên in vitro với IC50 rất thấp (5,33 µg/ml với cao chiết nước và 6,79 µg/ml với cao chiết ethanol 45%) và mạnh hơn đối chứng dương BHT [16].

Các tác dụng sinh học chính của bồ công anh được tổng hợp trong bảng dưới đây:

STT

Tác dụng sinh học

Mô hình thực nghiệm

Cơ chế tác dụng

Mẫu nghiên cứu sử dụng

Tài liệu tham khảo

1

Tác dụng hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị tiểu đường

- Mô hình động vật thử nghiệm trên chuột

- Mô hình thực nghiệm in-vitro trên enzym α-glucosidase

- Ức chế α-glucosidase

- 13 hợp chất phân lập từ bồ công anh

- Cao chiết ethanol 45% từ lá

[3, 10]

2

Tác dụng chống ung thư

- Mô hình thực nghiệm in-vitro trên tế bào ung thư (HL-60, KB, HeKa, A549)

- Mô hình thực nghiệm in-vitro trên hệ DPPH

- Quét gốc tự do

- Bảo vệ hiệu quả chuỗi xoắn DNA

- Suy giảm chức năng ty thể

- Chống oxy hóa tế bào

- Dịch chiết nước và ethylacetate của bồ công anh

- Luteolin phân lập từ bồ công anh

- Cao chiết n-hexan và cao chiết dichloromethan từ rễ bồ công anh

[9, 11, 12]

3

Tác dụng bảo vệ tế bào gan

- Mô hình thực nghiệm in-vitro trên tế bào gan HepG2.2.15

- Giảm số lượng ADN virus trong quá trình giải phóng các hạt virus trưởng thành từ tế bào nuôi cấy

3,4-di-O-caffeoylquinic acid, 3,5-di-O-caffeoyl-muco-quinic acid, 5-O-(E)-p-coumaroyl quinic acid, di-E-caffeoyl-meso-tartaric acid phân lập từ dịch chiết methanol của bồ công anh

[6, 7]

4

Tác dụng tăng sức khỏe đường tiết niệu, hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu

- Mô hình thực nghiệm in-vitro trên tế bào vi khuẩn E. coli và các dòng thế bào biểu mô bàng quang (5637, T24, TERT-NHUC)

- Giảm sự xâm nhập của vi khuẩn E. coli vào các tế bào biểu mô bàng quang thông qua giảm hoạt hóa FAK

- Dịch chiết nước bồ công anh

[13]

5

Tác dụng chống oxy hóa, chống viêm

- Mô hình thực nghiệm in-vitro trên tế bào RAW264.7

- Mô hình thực nghiệm in-vitro trên vi khuẩn tụ cầu vàng

- Ức chế sản sinh NO

- Bắt gốc DPPH

- Dọn gốc ABTS

- Ức chế peroxy hóa lipid

- Cao chiết nước và ethanol 45% của lá và rễ bồ công anh

 

 

[9,14,15,16]

Một số bài thuốc dân gian sử dụng dược liệu bồ công anh [17]

Chữa sưng vú, tắc tia sữa: Hái 20 đến 40 lá bồ công anh tươi, rửa sạch, thêm ít muối giã nát, vắt lấy nước uống, bã dùng đắp lên nơi vú sưng đau.

Chữa ăn uống kém tiêu, hay bị mụn nhọt: Lá bồ công anh khô 10 đến 15 g; nước 600 ml (3 bát), sắc còn 200 ml (1 bát) (có thể đun sôi kỹ và giữa sôi trong vòng 15 phút). Uống liên tục trong 3 – 5 ngày, có thể kéo dài hơn.

Chữa đau dạ dày: Lá bồ công anh khô 20 g, lá khôi 15 g, lá khổ sâm 10 g. Thêm 300 ml nước, sắc đun sôi trong vòng 15 phút, thêm ít đường vào mà uống (chia 3 lần uống trong ngày). Uống liên tục trong vòng 10 ngày, nghỉ 3 ngày rồi lại tiếp tục đến khi khỏi.

Là một dược liệu dùng rất phổ biến trong y học cổ truyền và y học dân gian, bồ công anh đã được đưa vào danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030 [19].

Lưu ý phân biệt bồ công anh và các loài cây cùng tên khác ở Việt Nam [17]

Tên bồ công anh được dùng để chỉ ít nhất 3 cây khác nhau đều mọc ở nước ta, cần chú ý để tránh nhầm lẫn.

1. Bồ công anh Việt Nam (Lactuca indica L., họ Cúc Asteraceae)

2. Bồ công anh Trung Quốc (Taraxacum officinale Wigg., họ Cúc Asteraceae), loài này ít dùng ở Việt Nam nhưng thường bị truyền thông nhầm lẫn với bồ công anh Việt Nam.

3. Cây chỉ thiên (Elephantopus scaber L., họ Cúc Asteraceae), một số người dân Việt Nam và Trung Quốc gọi tên loài cây này là bồ công anh và dùng như cây bồ công anh Trung Quốc.

Ba loài cây này có đặc điểm hình thái khác nhau, dễ phân biệt nhưng do người dân địa phương gọi cùng một tên nên có thể gây hiểu nhầm khi sử dụng trong thực tế. Sự khác nhau giữa 3 cây được tóm tắt trong bảng sau:

Tên khoa học

Tên khác

Chiều cao

Hoa

Lactuca indica L.

Diếp dại,

Bồ công anh

0,6 – 3 m

Mọc so le

Hình đầu màu vàng

Taraxacum officinale Wigg.

Bồ công anh Trung Quốc

0,2 – 0,4 m

Mọc sát đất, hình hoa thị

Hoa màu vàng, quả xếp hình cầu, có lông màu trắng

Elephantopus scaber L.

Cúc chỉ thiên

0,2 – 0,4 m

Mọc sát đất

Hoa màu tím nhạt hình hoa thị

(Nguồn ảnh: Internet)

Kết luận

Bồ công anh có tên khoa học là Lactuca indica L., thuộc họ Cúc Asteraceae đã được sử dụng phổ biến trong y học dân gian Việt Nam. Bồ công anh và các hợp chất phân lập từ cây này đã được chứng minh có nhiều tác dụng dược lý bao gồm hạ đường huyết và hỗ trợ điều trị tiểu đường, chống ung thư, bảo vệ tế bào gan, tăng sức khỏe đường tiết niệu, chống oxy hóa và chống viêm. Các nghiên cứu về tác dụng sinh học của bồ công anh đã giải thích được cho các ứng dụng của loài cây này trong dân gian để thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chữa bệnh sưng vú, tắc tia sữa, mụn nhọt đang sưng mủ, đinh râu, đau dạ dày, ăn uống kém.

Tài liệu tham khảo

[1] Viện Dược liệu 2004. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, 215-217.

[2] Chuyên luận dược liệu bồ công anh. Dược điển Việt Nam V, 1085-1086.

[3] Hou, C. C., Lin, S. J., Cheng, J. T., & Hsu, F. L. (2003). Antidiabetic Dimeric Guianolides and a Lignan Glycoside from Lactuca indicaJournal of natural products66(5), 625-629.

[4] Kim, K. H., Lee, K. H., Choi, S. U., Kim, Y. H., & Lee, K. R. (2008). Terpene and phenolic constituents of Lactuca indica L. Archives of pharmacal research31, 983-988.

[5] Choi, C. I., Eom, H. J., & Kim, K. H. (2016). Antioxidant and α-glucosidase inhibitory phenolic constituents of Lactuca indica L. Russian Journal of Bioorganic Chemistry42, 310-315.

[6] Kim, K. H., Kim, Y. H., & Lee, K. R. (2007). Isolation of quinic acid derivatives and flavonoids from the aerial parts of Lactuca indica L. and their hepatoprotective activity in vitroBioorganic & medicinal chemistry letters17(24), 6739-6743.

[7] Kim, K. H., Kim, Y. H., & Lee, K. R. (2010). Isolation of hepatoprotective phenylpropanoid from Lactuca indicaNatural Product Sciences16(1), 6-9.

[8] Shinozaki, J., Nakane, T., Onodera, N., Takano, A., & Masuda, K. (2011). Composite constituent: lactucenyl acetate, a novel migrated lupane triterpenoid from Lactuca indica revision of structure of tarolupenyl acetate. Chemical and Pharmaceutical Bulletin59(6), 767-769.

[9] Wang, S. Y., Chang, H. N., Lin, K. T., Lo, C. P., Yang, N. S., & Shyur, L. F. (2003). Antioxidant properties and phytochemical characteristics of extracts from Lactuca indicaJournal of agricultural and food chemistry51(5), 1506-1512.

[10] Nguyễn, T. T. H., Trần, T. T. H., & Trần, T. Đ. (2023). Tác dụng điều hòa đường huyết của cao chiết từ Lá cây bồ công anh (Lactuca indica L., Asteraceae). Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Quốc Tế Hồng Bàng, 91-100.

[11] Chen, Y. H., Chen, H. Y., Hsu, C. L., & Yen, G. C. (2007). Induction of apoptosis by the Lactuca indica L. in human leukemia cell line and its active components. Journal of Agricultural and Food Chemistry55(5), 1743-1749.

[12] Hương, T. N. L., Lợi, H. V., Diễm, L. T. H., & Mai, H. T. Q. (2017). Đánh giá thành phần dưỡng chất và hoạt tính sinh học của rễ cây bồ công anh Việt Nam (Lactuca indica L.). Journal of Science of HNUE, 18(6), 37 – 46.

[13] Lüthje, P., Dzung, D. N., & Brauner, A. (2011). Lactuca indica extract interferes with uroepithelial infection by Escherichia coliJournal of ethnopharmacology135(3), 672-677.

[14] Thủy, K. T., Thông, C. L. T., Nhung, N. T. A., Triết, N. T (2023). Anti-inflammatory and anti-oxidant activity-guided investigation of phytoconstituents from Lactuca indica L. Ministry of Science and Technology, Vietnam, 65(9), 16-21.

[15] Kim, J. N., Kim, J. M., & Lee, K. S. (2012). Antioxidant Activity of Methanol Extracts from Lactuca indicaKorean Journal of Food Preservation19(2), 294-300.

[16] Trần, T. Đ., Trần, T. T. H., & Nguyễn, T. T. H. (2023). Tác dụng kháng khuẩn và chống oxy hóa của lá cây bồ công anh (Lactuca indica L., Asteraceae). Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Quốc Tế Hồng Bàng, 73-80.

[17] Đỗ, T. L. (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học, 72-75