Sớm cụ thể hóa cơ chế đặc thù cho VKIST

Thứ bảy, 23/02/2019 | 17:00

Chế độ đãi ngộ và thu hút nhân tài là một trong những chủ đề được trao đổi nhiều nhất tại Kỳ họp lần thứ 3 Hội đồng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) do đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Chủ tịch Hội đồng VKIST chủ trì diễn ra sáng ngày 22/02/2019 tại Hà Nội.

Chế độ đãi ngộ và thu hút nhân tài là một trong những chủ đề được trao đổi nhiều nhất tại Kỳ họp lần thứ 3 Hội đồng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) do đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Chủ tịch Hội đồng VKIST chủ trì diễn ra sáng ngày 22/02/2019 tại Hà Nội.

Tham dự Kỳ họp còn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy; Viện trưởng VKIST Kum Dongwha; nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, các thành viên của Hội đồng và đại diện lãnh đạo các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Toàn cảnh Kỳ họp lần thứ 3 Hội đồng Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST)

Xây dựng mạng lưới Công nghiệp và tiếp cận toàn cầu

Báo cáo kết quả hoạt động năm 2018, Viện trưởng Kum Dongwha cho biết, năm 2018 là năm tiền đề triển khai hoạt động khảo sát thị trường, triển khai nghiên cứu, xây dựng báo cáo tiền khả thi ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam, đánh giá thực trạng nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ định hướng hoạt động của VKIST trong những năm tiếp theo. Theo đó, Viện đã thực hiện một dự án đặt hàng của Viện KIST (Hàn Quốc) về tình hình hoạt động của các chương trình KH&CN tại Việt Nam để giúp xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình KH&CN chung hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, cũng như giúp thuận lợi trong quá trình tham gia vào các dự án nghiên cứu, chương trình KH&CN quốc gia.

Viện cũng đã phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc để triển khai dự án Điều tra thị trường về chuỗi giá trị đối với lĩnh vực thủy sản tại địa bàn TP. Cần Thơ nhằm đề xuất hướng nghiên cứu, các khâu cần tác động nhằm nâng cao năng lực, gia tăng năng suất, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản phẩm.

Một dự án hợp tác quốc tế theo Nghị định thư với Hàn Quốc về sàng lọc và phát triển các sản phẩm từ cây đinh lăng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế để thực hiện từ năm 2019, theo đề nghị hợp tác với Công ty Cổ phần Traphaco cũng đã được VKIST đề xuất.

Năm 2019 sẽ là một năm quan trọng để định hình VKIST như một viện nghiên cứu và phát triển với mô hình phát triển mới. Cơ chế của VKIST nhằm hướng đến một viện nghiên cứu và triển khai công lập theo tiêu chuẩn toàn cầu dựa trên mô hình ban đầu của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST).

Mục tiêu trong năm 2019, VKIST sẽ xây dựng mạng lưới Công nghiệp và tiếp cận toàn cầu. Theo đó sẽ duy trì thành thông lệ “Diễn đàn Công nghiệp VKIST” một năm hai lần. Ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác trong nước như Viettel để nghiên cứu linh kiện và thiết bị 5G, Đại học quốc gia Hà Nội, Sở KH&CN TP. Hà Nội… VKIST cũng hướng đến đẩy mạnh quan hệ quốc tế như với ITRI (Đài Loan), IBM (Mỹ), đại học Aato (Phần Lan)…

Sớm cụ thể hóa cơ chế đặc thù cho VKIST

Báo cáo về công tác tuyển dụng và đào tạo, Viện trưởng Kum Dongwha cho biết, được sự chấp thuận của Hội đồng Viện, VKIST đã tổ chức hoạt động Tổ tư vấn xây dựng quy trình tuyển dụng nhân sự cấp cao gồm các chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Trên cơ sở báo cáo của Tổ tư vấn, VKIST đã xây dựng quy trình và tiêu chí đối với nhân sự nghiên cứu cấp cao (trưởng nhóm nghiên cứu - PI) và đề xuất chế độ đãi ngộ tương xứng.

Đại diện Bộ Tài chính cũng đưa ra một số gợi mở về giải pháp cho việc đãi ngộ nhân tài, đó là vận dụng linh hoạt, tối đa Nghị định số 50/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, trong đó nhấn mạnh Viện được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù tương tự như đối với các trường đại học tiên tiến được thành lập trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài, bảo đảm khuyến khích các nhà khoa học trình độ cao là người nước ngoài, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Viện. Bên cạnh đó là Nghị định số 16/2015/NĐ-CP cũng quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong Kế hoạch năm 2019, Viện đề xuất xây dựng các quy định về quản lý nhân sự cụ thể, từ tuyển dụng, quản lý, đánh giá, bổ nhiệm… Để các quy định này có thể mang tính hệ thống và được ghi nhận trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, VKIST cần có sự tham gia hỗ trợ của các Bộ có liên quan và các đơn vị trong Bộ KH&CN.

Kết luận tại Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ KH&CN quyết tâm cùng các Bộ, Ban, Ngành sớm cụ thể hóa cơ chế đặc thù cho VKIST. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, VKIST không chỉ thu hút nhân tài bằng lương mà chính từ niềm tin, sự đồng hành của các tập đoàn kinh tế lớn đã và đang đồng hành, bằng một mô hình quản trị hoàn toàn mới của một viện nghiên cứu, sự đồng hành, quyết tâm cao của các cơ quan quản lý Nhà nước… Những giá trị nền tảng này và sự gia tăng giá trị cho chính bản thân nhà khoa học khi cống hiến cho VKIST mới là sự hấp dẫn để họ đầu quân tại đây- Bộ trưởng nhấn mạnh.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng VKIST phát biểu tại Kỳ họp


Các thành viên Hội đồng VKIST chụp ảnh lưu niệm

Bài liên quan