Công nghệ sinh học – một trong những lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên tại VKIST

Saturday, 01/10/2022 | 15:00

Công nghệ sinh học là một lĩnh vực sáng tạo, mang tính liên ngành và có tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, y học, môi trường, hóa chất… Lĩnh vực này đã và đang trở thành một trong những lĩnh vực công nghệ dẫn đầu cho quá trình chuyển đổi, phát triển xã hội theo xu hướng giảm phát thải carbon và giải quyết các thách thức quan trọng trong cuộc sống như bảo vệ sức khỏe, cung cấp thực phẩm và năng lượng, cũng như bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng ...

Công nghệ sinh học – một trong những lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên tại VKIST

Công nghệ sinh học – một trong những lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên tại VKIST

Tiên phong đổi mới nghiên cứu ở Việt Nam

Với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST), các nhà khoa học tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) đang tập trung nghiên cứu một số nhóm công nghệ chủ lực, gồm: Công nghệ sinh học, cơ điện tử, công nghệ thông tin, cảm biến sinh học, công nghệ môi trường và vật liệu tiên tiến… Trong đó, lĩnh vực công nghệ sinh học đang tập trung nghiên cứu các sản phẩm từ dược liệu.

Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và giàu có. Trong đó, nguồn thảo dược Việt Nam với hơn 5000 loài cây thuốc, được biết là thuốc nam, đã được dung trong y học cổ truyền, y học dân gian từ hàng nghìn năm. Thị trường dành cho các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đang phát triển rất nhanh cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên lại chưa có được điều kiện thuận lợi để phát triển tương xứng với tiềm năng nguồn tài nguyên giàu có này. Bên cạnh đó, Việt Nam có cơ hội lớn cho việc hiện đại hóa ngành công nghiệp thảo dược, nâng cao chất lượng sản phẩm để có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Do đó, Phòng Công nghệ Sinh học của VKIST lựa chọn đối tượng nghiên cứu là các dược liệu, bài thuốc cổ truyền và hợp chất có hoạt tính sinh học từ dược liệu Việt Nam để phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Định hướng nghiên cứu chính của Phòng là phát triển các dược liệu, bài thuốc cổ truyền, dân gian theo hướng tiếp cận hiện đại để nâng cao tác dụng, chất lượng, sự tiện dụng trong sử dụng chúng. Các nội dung nghiên cứu gồm xác định các hợp chất có tác dụng dược lý từ thảo dược Việt Nam, cải tiến quy trình công nghệ chiết xuất các hợp chất với quy mô lớn và độ tinh khiết cao hơn, đánh giá tác dụng dược lý và độc tính của các hợp chất, các dược liệu hay bài thuốc. Phòng Công nghệ sinh học cũng nghiên cứu phát triển thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thảo dược Việt Nam.

Các đề tài nghiên cứu đều được xác định từ nhu cầu thực tiễn của thị trường, Phòng Công nghệ sinh học luôn nỗ lực phát triển để cung cấp các giải pháp kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của thị trường và của các công ty Việt Nam. Về cơ sở vật chất, Phòng Công nghệ sinh học có cơ sở nghiên cứu chính tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), 01 phòng thí nghiệm hợp tác với Đại học Phenikaa (tại Khoa Dược, Đại học Phenikaa, Hà Nội), và 01 phòng thí nghiệm đặt tại Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST), Gangneung, Hàn Quốc. Nhóm nghiên cứu cũng hợp tác với các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả của việc đưa các kết quả ứng dụng vào sản xuất tại Việt Nam.

Phòng thí nghiệm đặt tại Gangneung, KIST

Phòng thí nghiệm được đặt tại Viện nghiên cứu các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên tại Gangneung (KIST Gangneung), tập trung vào công tác nghiên cứu các thảo dược và ứng dụng công nghệ nhằm tăng giá trị gia tăng của nguồn dược liệu Việt Nam. Ba thảo dược đầu tiên được lựa chọn thực hiện là đinh lăng, gấc và dầu dừa.

Phòng thí nghiệm được tổ chức hoạt động trong 3 năm, trong đó toàn bộ chi phí cho các nhân sự của VKIST sẽ do nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc đảm bảo. KIST hỗ trợ cho toàn bộ trang thiết bị trong thời gian hoạt động và tài trợ nguyên vật liệu thí nghiệm trong năm đầu tiên. Sau hơn 1 năm  hoạt động, phòng thí nghiệm đã cho ra đời các kết quả nghiên cứu đầu tiên.

Đây là lần đâu tiên một viện nghiên cứu của Việt nam có cơ sở nghiên cứu tại nước ngoài để hoạt động trong môi trường quốc tế tiên tiến với mong muốn nâng cao năng lực nghiên cứu các nhà khoa học trong nước. Việc mở phòng thí nghiệm này cũng là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án ODA được ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam – Hàn Quốc năm 2017.

VKIST - hợp tác phát triển các dự án về lĩnh vực công nghệ sinh học

Từ khi chính thức đi vào hoạt động, VKIST luôn chú trọng mở rộng, tăng cường hợp tác nghiên cứu với các viện, trường và doanh nghiệp trong một số lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn, phù hợp với định hướng phát triển hiện tại của các bên, trong đó lĩnh vực công nghệ sinh học đang tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nguồn nguồn dược liệu sẵn có ở Việt Nam và đã ký hợp tác với nhiều doanh nghiệp sản xuất dược liệu trong nước, như Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI (CVI Pharma), Công ty CP Nam Dược (Nam Dược), Công ty CP Sản Xuất Dược liệu TW 28 và Công ty Cổ phần Hyundai Aluminum Vina nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực công nghệ sinh học và điện tử. Việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VKIST và các doanh nghiệp nhằm thể hiện mong muốn và cam kết hợp tác nghiên cứu và phát triển, công tác đào tạo nâng cao năng lực, chia sẻ cơ sở vật chất/trang thiết bị nghiên cứu…, từ đó góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.

Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco, một trong những đối tác tiềm năng của VKIST cho biết, Traphaco hợp tác với Viện bởi VKIST có những thiết bị hiện đại, các chuyên gia hàng đầu, nhất là có các nhà khoa học của Hàn Quốc phối hợp nghiên cứu. Traphaco đặt nhiều kỳ vọng sẽ sàng lọc được tác dụng sinh học và xác định thành phần hóa học có hoạt tính của một số loài đinh lăng Polyscias tại Việt Nam, phục vụ cho việc phát triển sản phẩm của doanh nghiệp thời gian tới. Viện cũng đang phối hợp KIST thực hiện đề tài nghiên cứu sản phẩm phòng, chống cúm nói chung và Covid-19 nói riêng từ bài thuốc cổ truyền của Việt Nam, với dự kiến trong 3 năm sẽ có sản phẩm phục vụ người dân.

PGS.TS Phương Thiện Thương, Phó Viện trưởng VKIST cho biết, sứ mệnh của Viện là nghiên cứu, nâng cấp các công nghệ phục vụ các công nghiệp chiến lược, then chốt, do đó thời gian qua Viện chú trọng tiếp cận, thấu hiểu nền công nghiệp thông qua việc tổ chức các diễn đàn công nghiệp thường niên, chủ động tìm đến các doanh nghiệp để cùng chia sẻ các vấn đề mà hai bên cùng trăn trở, những giải pháp công nghệ mà doanh nghiệp đang cần. Viện tập trung vào hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi đối tượng này thiếu công nghệ và không có đủ kinh phí để thay đổi công nghệ. Việc triển khai các nội dung ký kết hợp tác trước hết nhằm tạo niềm tin với doanh nghiệp để hợp tác lâu dài. Hiện, một số công nghệ đã được VKIST làm chủ và chuẩn bị tiến tới khả năng thương mại hóa. Có một số doanh nghiệp đã bắt đầu tìm đến, có ý tưởng hợp tác và đặt hàng. Viện dự định tận dụng cở sở vật chất, cơ sở hạ tầng hiện đại của mình để thu hút các doanh nghiệp đặt văn phòng đại diện tại Viện để hợp tác và cùng sử dụng cơ sở vật chất để tiết kiệm chi phí đầu tư trang thiết bị của doanh nghiệp.

Với vị thế một đơn vị đến sau trong cộng đồng khoa học và công nghệ, VKIST xác định rõ mục tiêu nghiên cứu qua từng giai đoạn và kiên trì với mục tiêu đã đặt ra chính là yếu tố tiên quyết. Bên cạnh đó, VKIST cần sự quan tâm, hỗ trợ và đầu tư đúng thời điểm của các cơ quan quản lý các cấp, cùng với sự hợp tác, tin tưởng của các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp để Viện có thể đi nhanh và đi xa hơn trong tương lai.